Tất cả mọi người đều suy nghĩ, đó là bản chất tự nhiên của con người, nhưng phần lớn suy nghĩ của chúng ta là thiên vị, méo mó, không đầy đủ, không rõ ràng hoặc hoàn toàn bị định kiến. Chất lượng cuộc sống của chúng ta, chất lượng của những gì chúng ta sản xuất, chế tạo hoặc xây dựng hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng tư duy của mỗi chúng ta và để có được sự xuất sắc trong tư duy thì cần phải được đào tạo một cách hệ thống.

Vậy tư duy phản biện là gì?

 

Từ năm 1605, Francis Bacon đã dùng thuật ngữ “tư duy phản biện” và định nghĩa tư duy phản biện gồm 7 đặc tính như: mong muốn tìm kiếm (sự thật), kiên nhẫn để nghi ngờ (các ý kiến của bạn), thích suy tưởng (về sự không chắc chắn), sẵn sàng để xem xét (các lựa chọn khác), chán ghét mọi kiểu ngụy biện, khẳng định một cách chậm, cẩn thận loại bỏ và sắp đặt theo thứ tự.

Dựa trên lý thuyết trí thông minh đa dạng của nhà tâm lý học Howard Gardner, Thomas Armstrong viết cuốn sách về bảy loại hình thông minh một cách chi tiết cũng như hướng dẫn các bài tập để có thể trở nên thông minh hơn, khôn ngoan hơn. Bảy loại hình trí thông minh đó là: thông minh về ngôn ngữ, thông minh logic – toán học (thông minh với các con số và sự logic), thông minh về không gian (liên quan đến suy nghĩ bằng hình ảnh, hình tượng và khả năng cảm nhận, chuyển đổi và tái tạo lại những góc độ khác nhau của thế giới không gian), thông minh về âm nhạc (khả năng cảm nhận, thưởng thức và tạo ra các tiết tấu và nhịp điệu), thông minh về thể chất – vận động (tài năng trong việc điều khiển hoạt động thân thể và thao tác cầm nắm các vật khéo léo), năng lực tương tác là thông minh hiểu và làm việc với những người khác và thông minh nội tâm (năng lực tự nhận thức bản thân).

Theo giáo sư Linda Elder – một nhà tâm lý giáo dục, một chuyên gia có uy tín quốc tế về lĩnh vực tư duy phản biện định nghĩa rằng, tư duy phản biện là tư duy theo tính chủ động, kiềm chế nhằm có được lý luận ở mức cao nhất về chất lượng một cách công bằng.

Theo sự phân loại của Bloom, trong khung 6 mức tư duy từ nhớ, hiểu, áp dụng đến phân tích, đánh giá và sáng tạo, thì tư duy phản biện thực sự diễn ra khi con người có khả năng phân tích, đánh giá và sáng tạo. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta làm như thế nào khi giảng dạy để phát triển tư duy phản biện ở sinh viên? Có thể là:

- Xây dựng và đưa tư duy phản biện vào mục tiêu của khóa học và vào kết quả học tập đầu ra của sinh viên.

- Thiết kế các hoạt động và cách đánh giá tập trung vào việc đưa ra các đối tượng mới và kết quả mới.

- Thay đổi phong cách giảng dạy cho phù hợp với phong cách đánh giá.

Những tiêu chí đầu ra của sinh viên hàm chứa tư duy phản biện có thể là:

- Mô tả các đặc điểm hoặc các mối quan hệ với khối lượng thông tin lớn từ văn bản hoặc nghe nhìn.

- Đánh giá thông tin, chứng minh và lập luận về độ tin cậy, tính hữu ích của thông tin     (qua quan sát, chứng minh, đo lường, thử nghiệm…)

- Xác định và quản lý rủi ro liên quan đến việc ra quyết định và thực hiện các quyết định.

- Phân tích và đánh giá điểm mạnh của một lập luận và hàm ý hành động theo sau lập luận.

- Gia nhập hoặc tạo ra các lựa chọn thay thế và chọn lựa được chọn lựa phù hợp nhất.

- Phát triển khả năng lập luận rõ ràng, chính xác để ủng hộ hoặc biện minh cho một hoặc nhiều quan điểm, kết luận

- Phản ánh điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và các thành viên khác trong nhóm và đề xuất những cách mà bản thân và người khác trong nhóm có thể cải thiện tốt hơn khi làm việc nhóm trong tương lai

- Lựa chọn và thảo luận về thông tin để đưa ra các cách nhìn khác nhau về cùng một vấn đề

- Xác định các thành phần của một vấn đề, mối quan hệ của các thành tố với nhau và với các thành tố khác trong một tổng thể

Các loại bài tập và các kiểu đánh giá có thể vận dụng để phát huy tư duy phản biện của sinh viên:

- Tiểu luận

- Bài kiểm tra nhóm

- Bài kiểm tra miệng

- Thảo luận

- Thảo luận theo cấp bậc

- Các buổi trình diễn học thuật

- Dự án nhóm hoặc dự án cá nhân

- Trình bày trước nhóm, cộng đồng lớn hơn

Tóm lại, khái niệm về tư duy phản biện, về chỉ số thông minh, chỉ số IQ có ảnh hưởng lớn đến khả năng sáng tạo của con người. Tư duy phản biện cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, ngoài việc nhận được bằng cấp của trường đại học, sinh viên nào có khả năng tư duy phản biện tốt sẽ nhận được rất nhiều sự ưu đãi của xã hội bên ngoài lương bổng. Vì vậy, sinh viên cần dành thời gian học tập và rèn luyện khả năng tư duy phản biện để có thể có trí tuệ và hành động thông minh hơn.

ThS. Trần Thị Hà Nghĩa – khoa Sư phạm và Ngoại ngữ