Tại Hội thảo trực tuyến “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 12/6-, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp, miễn là có đủ đam mê, sáng tạo.
Ai cũng có thể khởi nghiệp
Sáng 12/6, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông". Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - GS.TS Nguyễn Thị Lan chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, được kết nối trực tuyến với Bộ trưởng Bộ NNPTNT để đặt các câu hỏi liên quan đến nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, khởi nghiệp từ nông nghiệp, một em học sinh THPT đến từ Hưng Yên tỏ ra băn khoăn về hành trình khởi nghiệp nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan ngay lập tức đề nghị em học sinh có thể kết nối Zalo với mình để có thể cùng trao đổi về vấn đề khởi nghiệp nông nghiệp.
"Quê hương em có sản phẩm nhãn lồng, em có thể bắt đầu từ suy nghĩ làm sao tối ưu hóa được sản phẩm, kể câu chuyện của đặc sản quê mình. Đôi khi những câu chuyện giàu cảm xúc về sản phẩm sẽ thu hút người tiêu dùng tìm đến sản phẩm của mình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh.
Nói chuyện truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp, miễn là có đủ đam mê, sáng tạo.
Cho rằng, khởi nghiệp không phân biệt tuổi tác; Bộ trưởng viện dẫn: TS Nguyễn Thanh Mỹ là một ví dụ. Ông Nguyễn Thanh Mỹ khởi nghiệp khi 60 tuổi và là minh chứng sống động nhất về sức sáng tạo, sự khác biệt, và một tinh thần bất khuất trong mọi nghịch cảnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, TS Nguyễn Thanh Mỹ từng là một cậu bé nghèo ở tỉnh Trà Vinh. Ngày bé, ông mưu sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán kem và bánh mì. Sau này, ông làm tiến sĩ ở Canada và nay trở thành Chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan.
Từ câu chuyện của TS Nguyễn Thanh Mỹ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi, khởi nghiệp cần có ý tưởng, bởi ý tưởng tốt sẽ tạo ra nguồn lực. Nếu nghĩ đồng tiền trước bạn sẽ thất bại.
“Túi rỗng so với đầu rỗng thì cái nào quan trọng hơn?” – Bộ trưởng đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, môi trường giáo dục đại học chính là nơi ươm mầm để các bạn trẻ khởi nghiệp, bởi ở đó tích hợp đủ yếu tố thuận lợi, giúp các bạn trẻ có động lực để tham gia khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục truyền lửa tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mọi sự khởi đầu từ câu hỏi nên khởi nghiệp cũng bắt đầu từ các câu hỏi và thực tế sẽ cho các em những câu hỏi thiết thực, với những vấn đề cần giải quyết. Ngoài ra, các em hãy tìm sách để đọc nhằm kích hoạt ý tưởng và bổ sung tri thức cho mình.
Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp được xem là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
"Lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành nghề được xem là mảnh đất giàu tiềm năng và nhiều dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp góp phần đưa các sản phẩm vùng miền, sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị các loại nông sản đặc trưng của từng địa phương, của cả dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp góp phần vào xu hướng nhiều bạn trẻ tốt nghiệp tại các trường đại học không chọn làm việc tại các doanh nghiệp trong thành phố mà trở về quê hương tận dụng nguồn tài nguyên bản địa để khởi nghiệp, qua đó góp phần thổi một luồng gió mới vào nền nông nghiệp với việc tạo ra những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Là trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tự nhận lấy trách nhiệm của mình trong khởi nghiệp nông nghiệp, trong việc đồng hành cùng những người nông dân chuyên cần, sáng tạo và chất phác, đặc biệt là những bạn trẻ là con em nông dân tạo nên xu hướng khởi nghiệp và khát vọng lập nghiệp góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp, xây dựng Quốc gia khởi nghiệp ở đất nước nông nghiệp.
Kể từ năm 2014 đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp Đổi mới sáng tạo thu hút hơn 2500 dự án khởi nghiệp từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trường trung học phổ thông, các địa phương tham gia, trong đó trên 50% số dự án là của sinh viên của Học viện.
Hành trình 8 năm với 5 giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia; nhiều giải thưởng khác; nhiều ý tưởng, dự án sau Cuộc thi đã phát triển thành các doanh nghiệp có vị thế trong cộng đồng thanh niên khởi nghiệp, qua đó phần nào khẳng định được sự sáng tạo, đam mê và thành công của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam với phong trào khởi nghiệp.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, để lan toả gọn lửa đam mê khởi nghiệp tới các bạn học sinh trung học phổ thông, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức thành công cuộc thi "Sáng tạo khởi nghiệp VNUA 2022".
Qua một tháng phát động, Học viện đã nhận được gần 400 dự án khởi nghiệp từ các em học sinh và ban tổ chức đã chọn ra được 20 dự án của các em để trao giải, vinh danh.
Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Điều gì khiến chúng ta mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất.
"Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của thế hệ trẻ. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, mà ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới, những của cải mới cho xã hội" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.