Các mô hình khảo sát nhu cầu trong chương trình tiếng Anh chuyên ngành
Cập nhật lúc 09:29, Thứ ba, 14/09/2021 (GMT+7)
Tiếng Anh chuyên ngành đã và đang được giảng dạy tại hầu hết các trường đại học tại Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong một ngành nghề cụ thể. Cùng với tiếng Anh tổng quát, các học phần tiếng Anh chuyên ngành góp phần xây dựng năng lực sử dụng tiếng Anh cho sinh viên và chuẩn bị tốt cho công việc tương lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Tiếng Anh chuyên ngành đã và đang được giảng dạy tại hầu hết các trường đại học tại Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong một ngành nghề cụ thể. Cùng với tiếng Anh tổng quát, các học phần tiếng Anh chuyên ngành góp phần xây dựng năng lực sử dụng tiếng Anh cho sinh viên và chuẩn bị tốt cho công việc tương lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù việc giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành đã được thực hiện khá lâu tại Việt Nam nói chung và tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng, hiệu quả của các môn học này còn khá hạn chế do nhiều lí do khác nhau. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính đó là công tác phân tích nhu cầu người học chưa được quan tâm nhiều dẫn đến việc chương trình học chưa đáp ứng được mong muốn của học viên và các nhà tuyển dụng.
Nhu cầu của người học là vấn đề trung tâm trong thiết kế chương trình tiếng Anh chuyên ngành. Đã có một số mô hình lý thuyết ra đời để giúp thực hiện việc đánh giá nhu cầu của người học trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Những phương pháp này đã và đang được sử dụng trong một số nghiên cứu về nhu cầu người học của tiếng Anh chuyên ngành nhằm định hướng cho việc thiết kế chương trình học trong những bối cảnh khác nhau. Bài báo này thảo luận đặc điểm của các phương pháp lý thuyết trong đánh giá nhu cầu người học và ứng dụng thực tiễn của chúng. Dựa trên việc phân tích các nghiên cứu gần đây về tiếng Anh chuyên ngành, chúng tôi cho rằng quá trình đánh giá nhu cầu người học đang trở lên phức tạp hơn vì quá trình này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan. Sự đánh giá nhiều chiều có thể dẫn đến việc hình thành chương trình học phù hợp nhất cho người học. Nội dung thảo luận trong bài báo này là một phần trong luận văn tiến sĩ của tác giả nhằm đánh giá nhu cầu cho chương trình tiếng Anh chuyên ngành khoa học cây trồng tại Học viện qua cái nhìn của các cựu học viên và các bên liên quan như nhà tuyển dụng, giáo viên chuyên ngành, giáo viên ngoại ngữ.
Mọi chi tiết về kết quả nghiên cứu, xin liên hệ: Ths. Vũ Thị Hương – Bộ môn tiếng Anh cơ bản – Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam