Cảm xúc buồn là cảm xúc mà khi trải nghiệm, con người cảm thấy nản lòng, cô độc, không muốn tiếp xúc với người khác. So với các cảm xúc khác như tức giận, xấu hổ, ghê tởm, khinh bỉ, tội lỗi…thì cảm xúc buồn tồn tại lâu nhất, tồn tại lâu hơn các cảm xúc khác 240 lần và kéo dài trung bình đến 4 ngày.
       Năm 2014, Verduyn & Lavrijsen đã phát hiện ra rằng: Buồn bã thường liên hệ với những sự kiện có tác động lớn, dài hạn lên cuộc sống của con người, ví dụ như mất mát người thân. Lavrijsen giải thích: “Hồi tưởng chính là yếu tố quyết định then chốt lý do vì sao một số cảm xúc lại tồn tại lâu hơn các cảm xúc khác. Các cảm xúc liên hệ với mức độ hồi tưởng cao thường kéo dài lâu nhất. Các cảm xúc duy trì ngắn hơn thường được kích hoạt – tất nhiên là không phải lúc nào cũng vậy – bởi các sự kiện ít quan trọng. Mặt khác, các cảm xúc kéo dài thường liên quan đến những điều quan trọng hơn.”. (Tạp chí Motivation and Emotion) 
     Kết quả khảo sát của Verduyn & Lavrijsen trên 233 sinh viên, trong đó yêu cầu sinh viên nhớ lại những trải nghiệm cảm xúc đã có và cho biết chúng kéo dài trong bao lâu. Kết quả thu được về thời lượng kéo dài trung bình của mỗi cảm xúc thể hiện qua biểu đồ sau:

 

    Qua biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy, trong khi cảm xúc ghê tởm và xấu hổ chỉ kéo dài 30 phút, thì cảm xúc buồn lại tiếp diễn trung bình đến 120 giờ. Và nhiều khi chúng ta thường cảm thấy cảm giác chán nản kéo dài rất lâu nhưng thực chất nó thường chỉ tồn tại trong vài giờ. Bên cạnh đó, trong số các cảm xúc được đề cập thì sợ hãi thường ngắn hạn, trong khi “họ hàng gần” của nó là lo âu lại tồn tại lâu hơn. Tương tự như vậy, tác động của xấu hổ trôi qua khá nhanh, tuy nhiên cảm giác tội lỗi lại lượn lờ hàng giờ.
    Như vậy, chúng ta có thể thấy, cảm xúc buồn là cảm xúc tồn tại lâu nhất so với các cảm xúc khác. Vậy chúng ta phải làm gì để vượt qua được tất cả những nỗi buồn để có thể tiếp tục đi trên con đường của mình.
Thứ nhất:
     Khi gặp chuyện buồn, bạn đừng nên quá bi quan, nếu bạn muốn khóc thì hãy khóc thật to. Khóc xong rồi bạn sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn. Khóc xong rồi, bạn hãy đi ngủ một giấc. Khi tỉnh lại, bạn sẽ thấy tinh thần phấn trấn hơn, lạc quan hơn, mặc dù lúc này bạn vẫn thấy mệt mỏi, nhưng dù sao thì cũng tốt hơn lúc đầu.
Thứ hai:
     Khi bạn đã bình tĩnh lại rồi thì hãy suy nghĩ cho thật kỹ, hãy tự hỏi bản thân: mình làm như thế nào thì tốt, làm thế nào là đúng. Bạn hãy vạch ra từng bước, từng bước một trong kế hoạch của mình. Làm được như vậy, bạn sẽ cảm thấy mình có định hướng rõ ràng hơn cho những công việc và dự định sắp tới trong tương lai.
Thứ ba:
     Bạn có thể trò chuyện, tâm sự với những người thân, những người hiểu và quan tâm đến bạn, hoặc những người mà bạn thích nghe những lời an ủi, động viên, lời khuyên của họ. Có thể những lời nói đó không dễ nghe lắm nhưng bạn hãy lắng nghe, vì điều đó tốt cho bạn vì cuộc sống không dễ dàng và đơn giản mà. Bạn cần có một hành trang vững vàng để có thể đi tiếp trên con đường mà bạn đã chọn.
Thứ tư:
 Hãy nghĩ về những điều tốt đẹp sẽ đến, nghĩ về người thân, gia đình thân yêu của bạn, những người luôn chờ bạn, đợi bạn, mong bạn thành công và sống tốt. Hãy nghĩ về những người mà bạn yêu nhất, điều đó sẽ giúp cho bạn có thêm động lực trong cuộc sống.
Thứ năm:
 Hãy lấy lại tinh thần, hãy vui vẻ lên, hãy tự hát một bài, làm một món ăn mà bạn thích, hay nghe những bài hát mà bạn thường nghe, nói chuyện vui vẻ với những người bạn yêu. Bạn sẽ thấy cuộc sống này vẫn còn có những điều ý nghĩa, và sẽ có rất nhiều niềm vui đang chờ bạn nếu như bạn nỗ lực và cố gắng hết mình.
  Những điều tốt đẹp không tự nhiên mà đến, bạn hãy sống nỗ lực hết mình rồi bạn sẽ tìm thấy những niềm vui thực sự, những điều thú vị và ý nghĩ mà cuộc sống này đang chờ bạn.

Nguyễn Huyền Thương (Bộ môn Tâm lý)