Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được xác định là một trong các trường đại học trọng điểm của đất nước. 

65 năm qua, Học viện đã đào tạo cho đất nước hơn 10 vạn cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, trên 10.000 thạc sỹ và trên 600 tiến sỹ. 

Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo đã và đang là nguồn nhân lực chủ chốt trên mặt trận nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Trung ương đến các địa phương, họ đã cống hiến sức lực và trí tuệ, tài năng và sự đam mê vào những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong Học viện Nông nghiệp Việt Nam tạo ra một thế hệ nông dân mới - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021) và Khai giảng năm học 2021 - 2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: S.Đ

"Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiên phong, không ngừng đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, đào tạo gắn với thực tiễn phát triển của sản xuất, của doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí trình Chính phủ thí điểm tổ chức thực hiện từ năm học 2020-2021" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, những công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã góp phần làm thay đổi căn bản tập quán sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Tuy vậy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi đổi mới sản xuất chú trọng chất lượng hơn số lượng, phương thức sản xuất đòi hỏi phải thay đổi, bắt kịp xu thế thời đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải góp phần trả lời những câu hỏi đó, từng bước góp phần hình thành chân dung người nông dân mới, người nông dân của thời đại chuyển đổi số" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

 

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Mục tiêu nghiên cứu khoa học phải hướng về "tam nông"

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch nước "đặt hàng" Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực đổi mới toàn diện để có thể thực hiện tốt nhất Luật Giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, những người tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng tự học suốt đời, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện… người tốt nghiệp phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng.

Thứ hai, phải tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Học viện phải nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo bắt đầu từ việc xác định đúng chuẩn đầu ra, chuyển đổi phương pháp đào tạo từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, đưa Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành mô hình trường đại học kiểu mẫu trong đào tạo.

Thứ ba, phải tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo. 

"Tài sản quý nhất của Học viện không phải là những giảng đường sáng choang, không phải là hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại mà chính là đội ngũ những thầy cô giáo vô cùng tâm huyết với nghề" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong Học viện Nông nghiệp Việt Nam tạo ra một thế hệ nông dân mới - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho cán bộ, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: S.Đ

Chủ tịch nước cũng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, tinh thần chung là các trường đại học phải được tự chủ để chủ động học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật cho phép mà ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính; phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu mẫu mực như đã định hướng. 

Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học công nghệ, các nghiên cứu của Học viện phải hướng tới "tam nông" (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh). 

Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp thành công theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp và văn minh. 

"Học viện cần tiếp tục tích cực tham vấn cho các cơ quan Nhà nước thực hiện mục tiêu xanh hóa nông nghiệp, chẳng hạn như chiến lược trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 để chủ động về bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết về giảm phát thải khí nhà kính như Thủ tướng đã cam kết tại Hội nghị COP26 vừa qua, khuyến khích huy động nhiều thành phần tham gia các chương trình sáng kiến nông nghiệp xanh, cải thiện yếu tố năng lực sản xuất như số liệu, tri thức, kỹ năng, hệ thống quản lý, cơ sở vật chất… giảm nhanh việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời khuyến khích các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao..." - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong Học viện Nông nghiệp Việt Nam tạo ra một thế hệ nông dân mới - Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện luôn xác định cùng với đào tạo thì khoa học công nghệ phải trở thành nền tảng cho hoạt động của Học viện. Ảnh: S.Đ

Khoa học công nghệ là nền tảng hoạt động của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện luôn xác định cùng với đào tạo thì khoa học công nghệ phải trở thành nền tảng cho hoạt động của Học viện.

Học viện đã chỉ đạo triển khai thành công tái cơ cấu nông nghiệp ở các huyện ngoại thành Hà Nội, Quảng Trị, Sơn La, Tây Nguyên; đổi mới công tác quản lý khoa học; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tinh hoa, xây dựng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của 50 nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện, ưu tiên nghiên cứu 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. 

Trong giai đoạn 2016-2021, Học viện đã đăng ký được 23 giống mới và 11 tiến bộ kỹ thuật; quản lý và thực hiện 671 đề tài/dự án khoa học công nghệ các cấp với tổng kinh phí 336,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Học viện cũng đã phối hợp với các địa phương như Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Hà Nội, Điện Biên, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Đăk Nông…để triển khai các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển sản xuất và đời sống.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo cho đất nước và một số nước bạn hơn 11 vạn cán bộ có trình độ đại học, hơn 13.000 thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ.

Học viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân,... cùng nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và bạn bè quốc tế.

Hiện nay, Học viện là một trường đại học công lập trọng điểm quốc gia, tự chủ, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, tiếp cận với trình độ và công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới.

Nguồn: https://danviet.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-hoc-vien-nong-nghiep-viet-nam-phai-gop-phan-hinh-thanh-the-he-nong-dan-moi-20211120131043899.htm?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo