Cuộc sống với nhiều công việc bộn bề lo toan khiến chúng ta luôn tất bật, không có những phút giây tĩnh lặng để nhìn lại mình. Với tôi, phút giây tĩnh lặng chính là thời gian ngồi nhìn và nhớ lại những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc khi về quê hương Vĩnh Phúc thân yêu của học trò cũ của tôi để tham gia công tác tư vấn hướng nghiệp. Con đường Thăng Long – Nội Bài – Cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã đưa chúng tôi đến với mảnh đất Vĩnh Phú xinh đẹp, nơi có các trường THPT Trần Phú, Phạm Công Bình và Yên Lạc 2 mà chúng tôi sẽ tham gia tư vấn và chia sẻ với các học sinh về định hướng nghề nghiệp tương lai. Môi trường giáo dục ở đây thật là thuần khiết, giáo viên nhiệt tình hăng say, học sinh chăm ngoan, học giỏi.

 
Giảng viên bộ môn Tâm lý và các thầy cô trường THPT Trần Phú – Vĩnh Phúc

Giảng viên bộ môn Tâm lý và các thầy cô trường THPT Trần Phú – Vĩnh Phúc 

Tháng 3, tôi và các thầy cô ở VNUA nói chung, bộ môn Tâm lý nói riêng đã lên đường thực hiện tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT theo sự phân công của Học viện, của Khoa để tư vấn trực tiếp cho các em học sinh lớp 12. Khi mới thực hiện công việc, trong tôi có rất nhiều cảm giác đan xen: tự hào, hồi hộp và lo lắng. Nhưng trên tất cả, tôi và các đồng nghiệp đã vượt qua được chính mình và hoàn thành tốt vai trò của một chuyên gia tư vấn. Trải qua những ngày cùng các giảng viên trong Bộ môn gặp gỡ các bạn học sinh lớp 12, giờ ngồi nhớ lại, tôi thấy mình nhận được rất nhiều “cái được” và muốn chia sẻ cùng các bạn. 

 

Giảng viên bộ môn Tâm lý và học sinh trường THPT Phạm Công Bình – Vĩnh Phúc

Thứ nhất, hoạt động tư vấn hướng nghiệp đã đem lại cho tôi một môi trường thực tế để vận dụng kiến thức, kỹ năng tôi đang trực tiếp giảng dạy vào cuộc sống như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục... Ngoài ra, thông qua hoạt động này, tôi đã trang bị thêm cho mình những kinh nghiệm quý báu như: lập kế hoạch hoạt động cho bản thân, phân bổ thời gian hợp lý giữa giảng dạy và công tác tư vấn tuyển sinh; làm việc theo nhóm; làm việc độc lập; đặc biệt, đó là sự ứng phó linh hoạt trước mỗi tình huống phát sinh. ... Mỗi trường, mỗi lớp ít nhiều có sự khác biệt và sự khác biệt này đòi hỏi tôi và các giảng viên trong đoàn phải có những phương án tiếp cận khác nhau. Các buổi tư vấn trên lớp trước các em học sinh lớp 12 đã giúp tôi tự tin hơn trong giao tiếp, linh hoạt và ứng biến nhanh trước mỗi tình huống. Đây là những kỹ năng thực sự cần thiết cho chúng tôi.

Thứ hai, tiếp xúc với các em học sinh cuối cấp đem lại cho tôi nhiều niềm vui, đó là niềm vui khi đem lại hạnh phúc cho người khác. Các thông tin chúng tôi cung cấp phần nào giúp các em có thêm lựa chọn, quyết định con đường sẽ đi tiếp sau khi tốt nghiệp THPT.

Thứ ba, Nhờ tham gia hoạt động này tôi đã hiểu rõ và cảm thấy yêu hơn ngôi trường đại học tôi đang công tác – Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam – nơi đã đem đến cho tôi những trải nghiệm mới. Những mối quan hệ giữa các đồng nghiệp, với học sinh, sinh viên khiến tôi có thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm sống và nâng cao kỹ năng xã hội cho bản thân mình.

Với mục đích học tập do tổ chức Unesco đề xướng : “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”, tôi nghĩ sau hoạt động tháng 3 vừa qua tôi đã học được cách sống tốt hơn, làm việc tập thể hiệu quả và tự khẳng định mình, sống có trách nhiệm với gia đình, nhà trường và xã hội.

Các bạn sẽ nhận được rất nhiều điều tốt đẹp từ mỗi đợt tham gia tư vấn hướng nghiệp. Nếu có cơ hội, các bạn hãy thử sức nhé!

                                                                                                                                          Nguyễn Huyền Thương

Giảng viên Bộ môn Tâm lý