Hiệu ứng Người ngoài cuộc
Cập nhật lúc 09:24, Thứ ba, 25/09/2018 (GMT+7)
Bạn đã từng chứng kiến một tình huống khẩn cấp diễn ra ngay trước mắt bạn chưa, và bạn chắc chắn sẽ có hành động cứ giúp người gặp hoạn nạn chứ? Hầu hết chúng ta đều tin rằng chúng ta làm điều đó, song các nhà tâm lý lại cho rằng, việc bạn cứu giúp người gặp hoạn nạn phụ thuộc vào số người chứng kiến tình huống đó.
Bạn đã từng chứng kiến một tình huống khẩn cấp diễn ra ngay trước mắt bạn chưa, và bạn chắc chắn sẽ có hành động cứ giúp người gặp hoạn nạn chứ? Hầu hết chúng ta đều tin rằng chúng ta làm điều đó, song các nhà tâm lý lại cho rằng, việc bạn cứu giúp người gặp hoạn nạn phụ thuộc vào số người chứng kiến tình huống đó.
Thuật ngữ hiệu ứng người ngoài cuộc liên quan tới hiện tượng mà ở đó có số lượng người chứng kiến đông, song có rất ít người giúp đỡ người hoạn nạn. Khi một tình huống khẩn cấp xảy ra, những người chứng kiến sẽ có hành động cứu giúp khi ở đó có ít hoặc không có người khác chứng kiến cảnh đó. Khi là một phần của một đám đông sẽ dẫn đến không có một cá nhân nào có trách nhiệm hành động (hoặc không hành động). Trong một loạt các nghiên cứu của mình, Bibb Latane và John Darley (1968) tìm ra rằng, khoảng thời gian khiến những người tham gia thí nghiệm có hành động tìm kiếm sự giúp đỡ thay đổi tùy thuộc vào số người quan sát trong phòng. Trong một thực nghiệm, đối tượng nghiên cứu được sắp xếp vào một trong ba hoàn cảnh: ở một mình trong phòng, hoặc cùng với hai người tham gia khác hoặc cùng với hai người (đồng minh, biết rõ thí nghiệm) giả vờ là người tham gia bình thường. Trong khi những người tham gia ngồi trả lời các câu hỏi trên phiếu, khói bắt đầu lan tỏa và ngập trong căn phòng. Khi nghiệm thể ở một mình trong phòng thì có tới 75% số người tham gia báo cáo sự việc với người tiến hành thí nghiệm. Ngược lại, chỉ có 38% người tham gia ở cùng phòng với hai người khác báo cáo sự việc này. Còn trong nhóm cuối cùng, hai người đồng minh nhận biết được khói lan vào phòng nhưng họ lờ đi như không biết và kết quả chỉ có 10% người tham gia báo cáo sự việc này. Một nghiên cứu khác của Latane và Rodin (1969) cũng chỉ ra rằng 70% phụ nữ trong tình huống khó khăn sẽ được giúp bởi người là nhân chứng duy nhất, khoảng 40% được đề xuất sự hỗ trợ khi những người khác cũng có mặt.
Lý giải về hiện tượng này, các nhà nghiên cứu cho rằng, có hai yếu tố chính góp phần tạo nên hiệu ứng người ngoài cuộc. Thứ nhất, sự hiện diện của người khác tạo nên một sự lan tỏa về trách nhiệm. Bởi vì, khi có nhiều người cùng, mỗi cá nhân không cảm thấy có nhiều áp lực phải hành động, trách nhiệm phải hành động được họ nghĩ là phải chia sẻ cho tất cả mọi người cùng có mặt ở đó. Thứ hai là nhu cầu cư xử đúng và được xã hội chấp nhận. Khi những người khác không phản ứng, các cá nhân cho rằng đây là tín hiệu phản ứng là không cần thiết và khong thích hợp. Các nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những người chứng kiến ít có xu hướng can thiệp vào những tình huống có tính chất mơ hồ, không rõ ràng. Tính chất của tình huống cũng đóng một vai trò nhất định. Trong quá trình bị nạn, mọi vấn đề xung quanh thường rất hỗn loạn và tình huống trở nên không rõ ràng, những người chứng kiến không rõ điều gì đang xảy ra. Trong thời điểm hỗn loạn ấy mọi người thường quan sát người khác để xác định cái gì là phù hợp. Khi mọi người thấy đám đông không có ai phản ứng gì và họ nghĩ đó là tín hiệu rằng không hành động là cần thiết. Họ có thể cho rằng người ngoài cuộc khác có năng lực để có thể giúp đỡ như bác sĩ, cảnh sát..., đồng thời họ cũng lo sợ sự hỗ trợ bị thay thế bởi người có khả năng hơn, sự hỗ trợ của họ không như mong muốn, không đúng cách, sợ phải đối mặt với những hậu quả liên quan đến pháp lý hoặc sợ bị nguy hiểm…
Làm thế nào để ngăn ngừa hiệu ứng người ngoài cuộc? Chúng ta sẽ làm gì để tránh không rơi vào tình huống không hành động này? Một số nhà tâm lý học cho rằng, việc đơn giản nhất là nhận thức được xu hướng này và đó có thể là cách tốt nhất để phá vỡ nó, khắc phục nó. Khi chứng kiến với tình huống cần có sự trợ giúp, việc hiểu về hiệu ứng người ngoài cuộc sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn để thực hiện các bước hỗ trợ. Điều này không có nghĩa là bạn phải đặt mình vào tình huống nguy hiểm. Và nếu bạn là người cần sự hỗ trợ, làm thế nào để bạn truyền cảm hứng đến mọi người đưa tay ra cứ giúp bạn? Một mẹo nhỏ thường được đề xuất sử dụng đó là tách riêng một người ra khỏi đám đông. Sử dụng giao tiếp bằng mắt và đề nghị cá nhân đó hỗ trợ. Bằng việc cá nhân hóa yêu cầu của bạn nó sẽ trở nên áp lực hơn cho mọi người để ra tay cứu giúp bạn.
Trần Thị Hà Nghĩa – Bộ môn Tâm lý