Với mục đích đổi mới, nâng cao dạy và học ngoại ngữ theo phương pháp mới để đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên chuyên ngữ và không chuyên ngữ, đáp ứng được mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và tạo điều kiện để cán bộ quản lí, giảng viên, các nhà khoa học được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, công bố những kết quả nghiên cứu về đào tạo gắn với thực tế đáp ứng nhu cầu xã hội. Sáng ngày 03/04/2022, Nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh – Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Học viện nông nghiệp Việt Nam. Hội thảo được tổ chức online trên MS Teams kết hợp với trực tiếp tại Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ.

Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Tất Thắng – Trưởng Khoa Sư phạm & Ngoại ngữ, ThS. Bùi Thị Là – Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa học Công nghệ, ThS. Trần Thị Hà Nghĩa – Phó trưởng Khoa phụ trách Đào tạo, TS. Nguyễn Thu Thủy – Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, cùng toàn thể các thầy, cô giáo, các em sinh viên các khóa.


 TS. Nguyễn Tất Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Tất Thắng – Trưởng Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ đã nhấn mạnh trong các hoạt động của trường đại học, nghiên cứu khoa học là không thể thiếu trong quá trình đào tạo. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã hình thành các nhóm nghiên cứu trọng điểm, sẵn sàng đầu tư và có cơ chế, chính sách đãi ngộ tốt nhằm thu hút nhân tài. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều năm qua đã định hình cơ chế khuyến khích các nhóm nghiên cứu mạnh. Sự hỗ trợ về tài chính đã giúp các giảng viên yên tâm theo đuổi công tác nghiên cứu. Cùng với đó là chính sách cởi mở hỗ trợ nhà khoa học kết nối nguồn lực với các địa phương, doanh nghiệp. Đối với giáo dục đại học, đào tạo luôn luôn gắn chặt chẽ với nghiên cứu. Để đào tạo tốt, đào tạo có chất lượng thì phải tiến hành hoạt động nghiên cứu. Nghiên cứu tiếp cận với chuẩn mực quốc tế thì lại quay trở lại để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao. Từ nguồn nhân lực chất độ cao, trình độ cao và từ nhóm nghiên cứu ấy tạo nên bước đột phá trong khoa học công nghệ và từ đó thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia.

ThS. Phạm Thị Hạnh trình bày bài tham luận trong Hội thảo

Hội thảo sẽ lắng nghe 06 báo cáo tham luận của thầy, cô giáo và nhóm sinh viên tham dự, tập trung vào các chủ đề chủ điểm như: Thực trạng dạy và học tiếng Anh (chuyên và không chuyên) đáp ứng chuẩn đầu ra trong các trường Đại học và cao đẳng; Đổi mới phương pháp dạy học; Phát huy tính tích cực chủ động học tập của sinh viên; Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ đổi mới phương pháp giảng dạy; Chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm; Đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá người học; Mô hình tổ chức dạy học tại lớp; Kỹ năng mềm bổ trợ cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm.

 
 
Trong buổi hội thảo, các đại biểu và các thành viên tham dự đã có những trao đổi, thảo luận liên quan trực tiếp đến chủ đề Hội thảo và những góp ý để hoàn thiện báo cáo. Hội đồng đánh giá cao ý kiến trao đổi, đề xuất với các chủ đề phong phú, sát hợp với thực tiễn. Trong đó, thành viên của nhóm Nghiên cứu mạnh, các cán bộ, giảng viên Học viện sẽ phối hợp tư vấn về chuyên môn đối với báo cáo nghiên cứu.