Khung tham chiếu Châu Âu đã được bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng làm căn cứ thống nhất cho các ngoại ngữ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, các trường cần căn cứ vào khung sáu bậc để xây dựng chương trình, biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, sách giáo khoa, kế hoạch giảng dạy, các tài liệu dạy học ngoại ngữ khác cũng như xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, thi và đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Tại Học viện nông nghiệp Việt Nam, khung châu âu chính thức trở thành chuẩn ngoại ngữ cho sinh viên từ K61. Việc chuyển đổi từ chuẩn ngoại ngữ theo TOEIC sang theo khung tham chiếu Châu Âu đã mang tới những thách thức không nhỏ cho sinh viên, giảng viên của Học viện. Các chương trình đào tạo, bài giảng, giáo trình đều được thiết kế lại để phù hợp với chuẩn ngoại ngữ mới. Một trong những khó khăn mà đội ngũ giảng viên gặp phải chính là các thức kiểm tra đánh giá các kỹ năng nói và viết trong bài thi theo dạng PET trong khung tham chiếu Châu Âu bởi lẽ trước đây giáo viên chỉ quen với việc chấm các kỹ năng nghe và đọc.
Chính vì vậy, chia sẻ từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực là điều rất cần thiết trong giai đoạn chuyển giao này. Trong buổi chiều ngày 26 tháng 9 năm 2018, khoa sư phạm và ngoại ngữ đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chấm thi kỹ năng nói theo chuẩn bậc B1, khung tham chiếu Châu Âu. Các giảng viên của bộ môn tiếng Anh cơ bản và tiếng Anh chuyên nghiệp đã có mặt đông đủ để lắng nghe chuyên gia chia sẻ và trao đổi về vấn đề này.
Trong phần đầu của hội thảo, chuyên gia tư vấn kỹ năng hỏi thi nói  theo chuẩn B1 khung Châu Âu. Theo đó, để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình chấm, chuyên gia đã giới thiệu các yếu tố quan trọng người chấm cần nắm rõ đó là công cụ, môi trường và người chấm. Tiếp đó một hướng dẫn chấm kỹ năng nói theo chuẩn quốc tế đá được giới thiệu và tư vấn cách thay đổi cho phù hợp với học viện. Chuyên gia đã đưa ra những hướng dẫn chi tiết về cách hỏi, gợi ý cho từng phần trong bài thi nói. Trong phần tiếp theo của hội thảo, các giảng viên được tư vấn về các tiêu chí chấm nói gồm có ngữ pháp và từ vựng hợp lý, quản lý diễn ngôn, phát âm (mạch lạc và thống nhất), phát âm, năng lực tương tác. Cuối cùng, chuyên gia đã chỉ ra cách thức tìm điểm giao giữa các trình độ, giúp giáo viên nhận biết sự khác biệt trong các tiêu chí mô tả từng cấp độ tiếng Anh, phân biệt năng lực của người nói ở các trình độ A2, B1, B2 về ngữ pháp, từ vựng, quản lý diễn ngôn, phát âm, giao tiếp tương tác. Buổi hội thảo kết thúc bằng phần thảo luận sôi nổi giữa các giảng viên của hai bộ môn và chuyên gia, góp phần giúp các cô có cách hiểu sâu hơn về những kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho công việc kiểm tra đánh giá sắp tới tại Học viện.

BM Tiếng anh cơ bản