Kỹ năng mềm thuộc phạm trù con người, không mang tính chuyên môn, không phải là thiên bẩm mà do đào tạo, rèn luyện mà có. Kỹ năng mềm nên được học và thực hành thông qua nhập vai, thảo luận nhóm và bài tập tình huống trong môi trường đại học. Đây chính là bước chuyển tiếp quan trọng trong cuộc đời mỗi người, từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành biết làm chủ cuộc sống cá nhân. Ngay khi bước chân vào đại học, các bạn tân sinh viên nên chú ý tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống dưới đây:
1/ Tận dụng cơ hội để được thuyết trình trước lớp
Thuyết trình có thể rèn luyện cho sinh viên sự tin tin khi đứng trước nhiều người. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, gồm việc học và thực hành cách sử dụng từ ngữ, ngôn ngữ cơ thể, nâng cao hiệu quả giao tiếp với đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè, cấp trên sau này.
2/ Thảo luận và làm việc nhóm
Tích cực trong các hoạt động thảo luận nhóm trong các giờ học, trong các hoạt động đoàn, hội sinh viên. Thảo luận giúp sinh viên nắm được cách trao đổi ý kiến trong nhóm, tích lũy kỹ năng thăm dò và thu thập các dữ kiện, dữ liệu trong việc giải quyết bất đồng. Ngoài ra, sinh viên còn có thể khám phá tố chất phát triển kỹ năng điều hành và lãnh đạo.
3/ Các hoạt động ngoại khóa
Viên Ở trường đại học có khá nhiều tổ chức thú vị, sinh viên nên tích cực tham gia, điển hình là hoạt động tình nguyện, các câu lạc bộ,... Các hoạt động này không chỉ mang lại những giờ phút tận hưởng, giải lao ngoài giờ học trên lớp mà còn tạo điều kiện cho sinh viên phát triển các kỹ năng cá nhân như tư duy, giải quyết vấn đề, phản xạ, sáng tạo...
4/ Tham gia hội thảo giao lưu quốc tế
Đây là cơ hội lý tưởng để sinh viên gặp gỡ, giao lưu, bắt kịp với kho kiến thức toàn cầu. Bên cạnh đó, việc tham dự hội thảo quốc tế cũng tạo điều kiện cho sinh viên thiết lập, mở rộng thêm các mối quan hệ. Nếu phụ huynh có dự định cho con du học, các sự kiện này là cơ hội để giúp con thích nghi dần với môi trường giao tiếp quốc tế, phát triển khả năng nghe nói tiếng Anh và làm quen với môi trường làm việc trong các tập đoàn kinh tế có yếu tố nước ngoài.
5/ Chủ động tham gia thực tập nghề nghiệp trong quá trình học ở đại học
Không phải trường đại học nào cũng mở ra cánh cửa việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Việc thực tập sớm tại các công ty sẽ giúp sinh viên hiểu biết thêm về thực tiễn hoạt động các ngành nghề, tích lũy kinh nghiệm và làm đẹp hồ sơ xin việc. Điều này rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ngoài chương trình thực tập nghề nghiệp được tham gia trong quá trình học, sinh viên nên chủ động tìm kiếm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp có liên quan đến chuyên môn để học hỏi kinh nghiệm, thậm chí còn có thêm thu nhập để hỗ trợ học tập.
Môi trường học tập ở học ở đại học khác nhiều so với môi trường ở phổ thông, thời gian đầu nhiều bạn tân sinh viên chưa thích ứng được ngay. Tuy nhiên đây cũng là thử thách để giúp bạn rèn luyện và hoàn thiện kỹ năng sống của bản thân.. Khi hiểu đúng về kỹ năng, có mục tiêu rèn luyện kỹ năng và sống với những kỹ năng thuần thục và chuyên nghiệp sẽ giúp sinh viên không chỉ đạt kết quả cao trong học tập mà còn tự trang bị cho mình những kinh nghiệm và công cụ tối quan trọng cho cuộc sống và nghề nghiệp tương lai.
Đặng Thị Vân (Bộ môn Tâm lý)