Ngày 23/3/2022, Nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh đã tổ chức seminar “Một số nguyên tắc trong giảng dạy Biên – Phiên dịch cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh” do ThS. Nguyễn Thị Hường trình bày. Buổi seminar được tổ chức trực tuyến qua MS Teams

Biên phiên dịch là môn học không thể thiếu trong chương trình đào tạo các ngành ngôn ngữ nước ngoài nói chung, ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng. Qua việc học tập Biên - Phiên dịch, sinh viên có thể biến các kiến thức tiếng Anh đã được học trong các môn học khác thành năng lực ứng dụng tiếng Anh thực tế. Có thể nói, Biên - Phiên dịch là môn học giúp sinh viên ôn tập, củng cố các kiến thức tiếng Anh đã học và nâng cao trình độ tiếng Anh hiện tại của sinh viên.

Việc giảng dạy Biên - Phiên dịch cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh phải tuân theo các nguyên tắc và phương pháp cơ bản trong giảng dạy Biên - Phiên dịch, đồng thời còn phải thể hiện được một cách đầy đủ nhất những đặc điểm của ngành Ngôn ngữ Anh. Do đó các giảng viên đang giảng dạy môn Biên dịch và Phiên Dịch cho các sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh cần xuất phát từ thực tế giảng dạy và chuẩn đầu ra về năng lực Biên - Phiên dịch để xây dựng chương trình đào tạo hợp lý, biên soạn giáo trình có tính định hướng cụ thể, vận dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, đồng thời sử dụng các phương pháp kiểm tra, đánh giá hữu hiệu để đánh giá hiệu quả giảng dạy.

Trong bài trình bày, tác giả đã nhấn mạnh, việc giảng dạy biên phiên dịch cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có hai mục đích: Một là, nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên bằng giảng dạy Biên - Phiên dịch. Hai là, giúp sinh viên nâng cao năng lực chuyển mã song ngữ, tức năng lực biên phiên dịch. Biên phiên dịch là một phần của giảng dạy ngoại ngữ, vì vậy giảng dạy biên phiên dịch cũng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của giảng dạy ngoại ngữ, như nguyên tắc giao tiếp, nguyên tắc văn hoá, nguyên tắc hệ thống, nguyên tắc tri nhận và nguyên tắc tình cảm.

Với thời lượng có hạn trong chương trình học, rất khó có thể đưa tất cả nội dung vào dạy một cách nhuần nhuyễn. Vì vậy, cần đưa ra một hệ thống nội dung bài giảng có phương pháp kết hợp cùng bài tập bổ trợ từ thấp lên cao để sinh viên nhận thức một cách khái quát và hệ thống yêu cầu ngành nghề, các năng lực cần đáp ứng để thỏa mãn nhu cầu nhà tuyển dụng. Từ đó, việc giảng dạy sẽ có lộ trình cụ thể hơn, tập trung hơn, cũng như sinh viên sẽ biết được nếu muốn theo đuổi con đường dịch thuật chuyên nghiệp, họ còn yếu mảng kỹ năng nào và có thể làm gì để trau dồi kỹ năng đó, từ đó phát huy tinh thần tự đánh giá và học hỏi suốt đời của sinh viên và của cả người thầy trong bối cảnh hội nhập.

                                                                                             Nhóm Nghiên cứu mạnh