Hành vi của con người chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm xúc. Cảm xúc mạnh có thể là nguyên nhân khiến bạn thực hiện hành động không còn bình thường trong tình huống mà bạn trải qua. Vậy tại sao chúng ta lại có cảm xúc? Lý do gì khiến chúng ta có những cảm xúc này? Các nhà nghiên cứu, các nhà triết gia, các nhà tâm lý học đều đưa ra rất nhiều lý thuyết khác nhau để giải thích cách nào và tại sao đằng sau cảm xúc của con người.

Vậy cảm xúc là gì? Theo Tâm lý học, cảm xúc thường được định nghĩa như một trạng thái phức hợp, là kết quả của sự thay đổi về sinh lý và tâm lý và ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người. Trạng thái xúc cảm của con người liên quan đến rất nhiều hiện tượng tâm lý, như khí chất, nhân cách, tâm trạng, động cơ…

Các lý thuyết đã nhóm lại thành 3 loại chính: sinh lý, thần kinh và nhận thức. Các lý thuyết về sinh lý cho rằng phản ứng của cơ thể chịu trách nhiệm về cảm xúc. Các lý thuyết về thần kinh cho rằng hoạt động của bộ não dẫn đến các phản ứng cảm xúc. Các lý thuyết về nhận thức cho rằng suy nghĩ và các hoạt động tinh thần đóng vai trò căn bản trong việc tạo nên cảm xúc.

Lý thuyết tiến hóa về cảm xúc: Nhà tự nhiên học Charles Darwin cho rằng, xúc cảm là khả năng thích ứng và nó cho phép con người và động vật có thể sống sót và sinh sản.  Cảm xúc yêu đương và sự yêu mến dẫn dắt con người tìm kiếm bạn đời để duy trì nòi giống. Cảm xúc sợ hãi thúc đẩy con người hoặc chiến đấu hoặc chạy trốn khỏi những nguy hiểm. Theo thuyết tiến hóa cảm xúc, cảm xúc của chúng ta tồn tại vì nó thực hiện vai trò thích nghi. Cảm xúc thúc đẩy con người phản ứng một cách nhanh chóng với kích thích trong môi trường, giúp gia tăng cơ hội thành công và tăng khả năng sống sót. Việc hiểu được cảm xúc của người khác và động vật đóng một vai trò cốt yếu trong việc giữ an toàn và sống sót của chúng ta. Nếu bạn đang đối mặt với con vật mà nó kêu rít lên, nó khạc nhổ hay nó cào móng vuốt, bạn lập tức nhận ra rằng con vật đang sợ hãi hoặc đang tự vệ và tốt nhất bạn nên để nó một mình. Bằng việc hiểu và giải nghĩa một cách chính xác biểu lộ của cảm xúc của người khác và động vật, bạn có thể phản ứng một cách chính xác và tránh được nguy hiểm.

Lý thuyết của James-Lange về cảm xúc: nhà tâm lý học William James và nhà sinh lý Carl Lange cho rằng cảm xúc diễn ra là kết quả của sự phản ứng về mặt sinh lý đối với các sự kiện. Lý thuyết này luận giải rằng, khi bạn nhận được một kích thích từ môi trường sẽ dẫn đến một phản ứng sinh lý. Phản ứng xúc cảm của bạn tùy thuộc vào cách bạn giải thích phản ứng vật lý đó. Ví dụ, giả định bạn đang đi trong một khu rừng và bạn nhìn thấy một con gấu xám. Bạn bắt đầu run rẩy, tim bạn đập liên hồi. Lý thuyết của James-Lange cho rằng bạn sẽ giải thích phản ứng vật lý đó của bạn và kết luận là bạn đang sợ hãi (Tôi đang run rẩy, vậy nên tôi sợ). Theo lý thuyết này bạn không run rẩy vì bạn sợ mà bạn có cảm giác sợ vì bạn đang run rẩy.

Lý thuyết Cannon-Bard về cảm xúc: Walter Cannon không đồng ý với lý thuyết của James-Lange về cảm xúc trên nhiều phương diện khác nhau. Ông cho rằng, con người có thể trải qua những phản ứng sinh lý liên quan tới cảm xúc mà không thực sự cảm nhận được những cảm xúc đó.Ví dụ, trái tim của bạn có thể đập nhanh vì bạn tập thể dục chứ không phải vì bạn sợ. Ông cũng cho rằng, phản ứng cảm xúc diễn ra quá nhanh để chúng có thể đơn giản là sản phẩm của trạng thái vật lý. Khi bạn đối mặt với nguy hiểm trong môi trường, bạn sẽ cảm thấy sợ trước khi bạn có những triệu chứng vật lý liên quan đến sợ hãi như nắm chặt tay, thở gấp hay tim đập nhanh. Lý thuyết của Cannon đưa ra vào những năm 1920 và nghiên cứu của ông được mở rộng và phát triển trong suốt những năm 1930 bởi nhà sinh lý học Philip Bard. Theo lý thuyết của Cannon-Bard về cảm xúc, chúng ta cảm nhận được về cảm xúc cũng như trải qua các phản ứng sinh lý như toát mồ hôi, run rẩy hay co cơ đồng thời cùng một lúc. Cụ thể, khi đồi thị gửi tín hiệu đến bộ não để phản ứng trả lời kích thích, sẽ sinh ra phản ứng vật lý. Cùng thời điểm đó, bộ não cũng nhận được tín hiệu khởi phát trải nghiệm về cảm xúc. Lý thuyết của Cannon và Brad cho rằng, những trải nghiệm vật lý và tâm lý của cảm xúc xảy ra cùng một thời điểm và cái này không phải là nguyên nhân cho cái khác.

Lý thuyết của Schachter-Singer: Lý thuyết này được xem như là lý thuyết hai yếu tố của cảm xúc, lý thuyết nhận thức về cảm xúc. Lý thuyết này khẳng định kích thích vật lý diễn ra trước tiên, sau đó cá nhân xác định lý do cho kích thích này để trải nghiệm và gắn nhãn nó như một cảm xúc. Giống với lý thuyết của James-Lange, lý thuyết của Schachter-Singer cũng cho rằng, con người suy luận về cảm xúc dựa trên các phản ứng sinh lý. Điểm mới là tình huống và sự giải thích nhận thức mà con người sử dụng để dán nhãn lên cảm xúc đó. Giống với lý thuyết của Cannon-Bard, lý thuyết của Schachter-Singer cũng cho rằng, các phản ứng vật lý giống nhau có thể tạo ra nhiều xúc cảm. Ví dụ, nếu tim bạn đập nhanh và chảy mồ hôi ở lòng bàn tay trong suốt buổi thi quan trọng, có thể bạn có cảm xúc dạng như lo lắng. Và nếu bạn cũng có phản ứng vật lý tương tự vào một buổi quan trọng khác, có thể bạn cho rằng đó là phản ứng của tình yêu, sự thương cảm hay một sự hưng phấn nào đó.

Thuyết thẩm định nhận thức: Theo thuyết này, suy nghĩ chắc chắn diễn ra trước cảm xúc. Chuỗi sự kiện diễn ra theo trình tự sau: đầu tiên là kích thích, sau đó là suy nghĩ và dẫn đến đồng thời cùng một lúc của phản ứng vật lý và cảm xúc. Ví dụ, khi bạn đang đối diện với con gấu ở trong rừng, ngay lập tức bạn nghĩ rằng bạn đang trong tình huống rất nguy hiểm. Suy nghĩ này dẫn đến cảm xúc sợ hãi và phản ứng vật lý là chiến đấu hay bỏ chạy.

Lý thuyết cảm xúc phản hồi trên gương mặt: Lý thuyết này cho rằng sự biểu cảm trên gương mặt liên quan đến biểu lộ về xúc cảm. Charles Darwin và William James cho rằng, nhiều lúc phản ứng vật lý có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc hơn việc đơn giản chỉ là kết quả của cảm xúc. Những người ủng hộ học thuyết này cho rằng, xúc cảm gắn liền với sự thay đổi của các cơ trên gương mặt. Ví dụ, những người bị ép buộc phải nở nụ cười vui vẻ trong các buổi giao tiếp xã hội sẽ có khoảng thời gian tốt hơn là những người cau mày hay mang bộ mặt không cảm xúc.

Đến năm 1990, hai nhà tâm lý học là Peter Salovey và John Mayer chính thức sử dụng khái niệm thông minh cảm xúc và đến năm 1995 sau khi Daniel Goleman xuất bản cuốn sách về Thông minh cảm xúc thì khái niệm này được sử dụng một cách phổ biến hơn để chỉ khả năng hiểu biết, khả năng giải thích và khả năng phản ứng lại với cảm xúc của người khác của mỗi cá nhân.

Trần Thị Hà Nghĩa – Bộ môn Tâm lý