Ngôn ngữ Anh là ngành học nghiên cứu, sử dụng tiếng Anh – ngôn ngữ số 1 thế giới để sinh viên làm chủ và sử dụng tiếng Anh linh hoạt, hiệu quả phục vụ các mục đích xã hội, học thuật và chuyên môn. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện sẽ được học những kiến thức chung và chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa, đất nước, con người không chỉ của quốc gia sản sinh ra tiếng Anh mà của cả các quốc gia nói Tiếng Anh. Sinh viên đồng thời được trang bị những kỹ năng chuyên môn cần thiết như kỹ năng biên phiên dịch; dạy-học, quản trị văn phòng, nghiên cứu ngôn ngữ…Không những vậy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện còn được trau dồi những kỹ năng mềm như kỹ năng giao dịch, đàm phán, thuyết trình, phân tích, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm… để làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện có thể chọn cho mình công việc phù hợp với mức lương hấp dẫn ở nhiều vị trí khác nhau như: công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp; giáo viên giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, phổ thông trung học, trung học cơ sở, tiểu học, trung tâm ngoại ngữ; chuyên viên làm việc trong lĩnh vực tài chính, du lịch, khách sạn, ngoại giao và xuất nhập khẩu; biên dịch viên, phiên dịch viên trong các công ty, cơ quan ngoại giao, cơ quan truyền thông, các tổ chức kinh tế, xã hội của Việt Nam và quốc tế; dịch thuật cho các nhà xuất bản, trung tâm phát hành sách, báo, tạp chí…; chuyên viên truyền thông, tổ chức sự kiện, thư ký, trợ lý… trong các công ty nước ngoài; hướng dẫn viên, chuyên viên tư vấn tại các công ty du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn.

 
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (VNUA) thực tập tại Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội 

Theo thông tin được đăng tải trên nhiều báo như Tiền Phong, Thanh Niên, Vietnamnet, Tuổi Trẻ và nhiều báo khác thì hiện nay nhiều địa phương thiếu giáo viên Tiếng Anh trầm trọng. Bởi một điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là môn Tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/ tuần. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trong chương trình GDPT mới, môn Tin học và Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3, do đó, các địa phương cũng buộc phải tuyển dụng giáo viên theo vị trí việc làm. Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có lộ trình tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng chương trình mới. Cụ thể báo Tiền Phong đề cập đến số lượng giáo viên Tiếng Anh còn thiếu tại các địa phương như sau: “Bà Lê Xuân Phương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Từ (Hà Nội), cho biết, nhiều năm nay, trường muốn thúc đẩy chất lượng môn Tiếng Anh nên ngoài giáo viên cơ hữu, trường đã liên kết với các trung tâm để dạy bổ trợ. Theo đó, học sinh lớp 1-2 học tự chọn 2 tiết/tuần để làm quen nhằm đáp ứng chương trình GDPT tổng thể từ lớp 3 (4 tiết/ tuần).

Riêng từ lớp 3 đến lớp 5, ngoài 2 tiết/tuần với giáo viên của trường, trường cũng đang liên kết với trung tâm, có thêm giáo viên nước ngoài dạy bổ trợ 2 tiết/tuần để hướng tới năm học 2022-2023, học sinh bắt buộc học 4 tiết/tuần môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, với dạy học liên kết, hằng tháng, phụ huynh phải đóng hàng trăm nghìn đồng.

Bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, năm học 2020-2021, toàn huyện thiếu 18 giáo viên dạy môn Tiếng Anh tiểu học. Năm học tới, thiếu 21 giáo viên, trong đó giáo viên dạy lớp 3-5 thiếu 6 người.

Một trong những địa phương thiếu giáo viên Tiếng Anh là tỉnh Sơn La. Tính cả giáo viên Tin học và Ngoại ngữ giai đoạn 2020-225, địa phương cần 786 người để thực hiện chương trình GDPT mới. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ngành đang lo lắng không đủ giáo viên để dạy học 4 tiết/tuần từ lớp 3 khi thực hiện chương trình mới.

Hà Nội cũng thiếu khoảng 1.500 giáo viên Ngoại ngữ để dạy học bắt buộc từ lớp 3. Để tuyển đủ số lượng giáo viên, từ nay đến năm 2023, Hà Nội cần tuyển thêm khoảng 700 chỉ tiêu.

Theo ước tính của Bộ GD&ĐT, để dạy học ngoại ngữ từ lớp 3 trong chương trình GDPT mới, cả nước thiếu hơn 5.000 giáo viên. Hiện có hơn 21.000 giáo viên Tiếng Anh tiểu học được tuyển dụng, nhưng chỉ có 7.361 giáo viên được tuyển dụng chính thức, số còn lại đang dạy học theo hình thức ký hợp đồng có thời hạn với UBND các quận, huyện và nhà trường. Vì vậy, để đảm bảo dạy học chương trình mới, cần phải tuyển bổ sung hơn 4.000 giáo viên bộ môn Tiếng Anh mới thực hiện được kế hoạch dạy 4 tiết/tuần, tránh việc học không đủ số tiết hoặc hợp đồng chắp vá với giáo viên ở các trung tâm.

Với nhu cầu thực tế từ việc thiếu giáo viên tại nhiều địa phương hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới.

                                                                                                                                              Trần Thanh Phương 

BM Tiếng Anh chuyên nghiệp