NHỮNG KHÓ KHĂN KHI GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Cập nhật lúc 09:06, Thứ năm, 11/11/2021 (GMT+7)
Ngày 11/11/2021, nhóm nghiên cứu manh Ngôn ngữ học ứng dụng Tiếng Anh – khoa Sư phạm và ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Những khó khăn khi giảng dạy trực tuyến và một số giải pháp” do ThS. Nguyễn Thị Lan Anh – Bộ môn Tiếng Anh chuyên nghiệp trình bày.
Ngày 11/11/2021, nhóm nghiên cứu manh Ngôn ngữ học ứng dụng Tiếng Anh – khoa Sư phạm và ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Những khó khăn khi giảng dạy trực tuyến và một số giải pháp” do ThS. Nguyễn Thị Lan Anh – Bộ môn Tiếng Anh chuyên nghiệp trình bày.
Đại dịch Covid đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực cuộc sống, bao gồm cả giáo dục. Hầu hết các trường học đột ngột dừng lại với thông báo về việc đóng cửa hoàn toàn vào tháng 3 năm 2020. Trước thực tế xã hội, các trường học đã đưa giảng dạy trực tuyến để giải quyết tình hình.Việc chuyển đổi từ dạy học truyền thống sang trực tuyến là một thách thức không hề nhỏ với các giảng viên nói chung và giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
|
|
ThS. Nguyễn Thị Lan Anh trình bày seminar trực tuyến |
Trong bài seminar, tác giả đã trình bày những khó khăn từ phía giảng viên trong quá trình giảng dạy trực tuyến như:
+ Một số thầy cô gặp trở ngại về phương tiện dạy học khi máy tính bàn hay máy tính xách tay cũ kĩ, sự cố về điện, sự cố đường truyền internet... Vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc truyền tải bài giảng của các thầy cô; thậm chí là mất kết nối giữa giảng viên và sinh viên.
+ Một số giảng viên chưa làm chủ về công nghệ trong dạy học; và giờ đây lại phải làm quen với rất nhiều công nghệ mới khi giảng dạy trực tuyến.
+ Tài liệu giảng dạy trực tuyến hạn chế vì phần lớn các tài liệu dạy của các thầy cô hiện nay đều là tài liệu dành cho giảng dạy truyền thống.
+ Giảng viên có thể cảm thấy thiếu động lực khi giảng dạy trực tuyến vì khả năng tương tác trong quá trình học của giảng viên và sinh viên còn thấp.
Từ những bất cập được nêu, tác giả đã đưa ra một số giải pháp như: giảng viên cần đầu tư vào hệ thống nâng cấp internet tốc độ cao và nguồn điện dự phòng để đảm bảo nguồn điện không bị gián đoạn trong các lớp học trực tuyến; giảng viên cần nâng cao trình độ Công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến, tham gia các khóa học về giảng dạy trực tuyến để có thể thành thạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; giảng viên cần đa dạng hóa các hình thức giảng dạy và lồng ghép nhiều hoạt động trong chương trình giảng dạy để tạo hứng thú học tập của sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên trình bày và chia sẻ quan điểm của bản thân.
|
|
|
Trong bối cảnh hiện tại, giảng viên đã và đang phải đối mặt với một số rào cản khi phải chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến. Trong buổi seminar này, tác giả chỉ mới dừng lại ở việc mô tả và chỉ ra những khó khăn của giảng viên thông qua việc giảng dạy thực tế và thông qua các tài liệu, các bài báo, bài nghiên cứu. Do đó, với những hạn chế về khách thể và địa bàn nghiên cứu, những nghiên cứu khác có thể kế thừa và phát triển theo những hướng nghiên cứu mới với nhóm khách thể mang tính phổ quát hơn. Từ đó, đề xuất các giải pháp mang tính thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học trực tuyến trong tương lai.
Nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh