Ngày 01/6/2022, nhóm nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng Tiếng Anh – khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức seminar với chủ đề “Những thuận lợi và thách thức của phương pháp Chép chính tả trong dạy và học ngoại ngữ ” (The benefits and challenges of dictation in language teaching and learning ) do thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Quế – Bộ môn Tiếng Anh chuyên nghiệp trình bày.
Chép chính tả được sử dụng trong dạy và học ngoại ngữ từ rất lâu. Vào thế kỷ 19, chép chính tả được sử dụng rất nhiều song song với phương pháp Ngữ pháp - Dịch thuật (Grammar - Translation method). Trong những năm 1960, chép chính tả được coi là “không mang tính giao tiếp” và do đó bị phản đối. Tuy nhiên, vào những năm đầu của thế kỷ 20, chép chính tả lại được dùng rộng rãi khi có những nghiên cứu chỉ ra chép chính tả giúp nâng cao trình độ ngôn ngữ. Chủ đề “Những thuận lợi và thách thức của phương pháp Chép chính tả trong dạy và học ngoại ngữ ” đặc biệt phù hợp cho các bạn sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh - HVNNVN và tất cả người học ngoại ngữ nói chung.
|
|
ThS. Nguyễn Thị Kim Quế trình bày seminar |
Trong bài seminar của mình, Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Quế tổng hợp một số vấn đề lý thuyết quan trọng liên quan đến hoạt động chép chính tả. Tác giả đưa ra các định nghĩa về chép chính tả từ các nhà nghiên cứu khác nhau. Có nhiều cách định nghĩa “chép chính tả” trong dạy và học ngôn ngữ, nhưng tất cả có điểm chung là người học nghe và chép lại bằng ngôn ngữ mình đang học. Trong bài nghiên cứu, tác giả đã chỉ ra, có nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng cách phân loại được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng nhất là cách của Sawyer and Silver (1961, được trích dẫn trong Alkire, 2002). Theo Sawyer and Silver, chép chính tả được phân làm 4 loại:
1. Chép chính tả từng âm (Phonemic Item Dictation),
2. Chép chính tả cả đoạn theo âm (Phonemic Text Dictation),
3. Chép chính tả từng từ dạng chữ viết (Orthographic Item Dictation)
4. Chép chính tả cả đoạn dạng chữ viết (Orthographic Text Dictation)
Trong 4 loại trên thì loại chép chính tả cả đoạn dạng chữ viết có nhiều ưu điểm hơn và được dùng rộng rãi hơn.
Theo Alkire (2002) dưa ra một Danh sách dài những lợi ích của việc chép chính tả. Montalvan (1990, được trích dẫn bởi Kavaliauskiene & Darginaviciene, 2009) cũng chỉ ra ít nhất có 20 lợi ích của việc Chép chính tả, trong đó 6 lợi ích quan trọng nhất bao gồm:
- Giúp phát triển cả 4 kỹ năng một cách thống nhất
- Giúp người học củng cố ngữ pháp
- Giúp người học phát triển trí nhớ ngắn hạn
- Giúp nâng cao kỹ năng ghi chép (note-taking skills)
- Thúc đẩy khả năng tư duy bằng ngôn ngữ đó
- Giúp phát triển khả năng giao tiếp bằng lời (oral communication) nếu người học sửa lỗi của nhau
Trong bài trình bày, ThS Nguyễn Thị Kim Quế cùng các giảng viên trong Khoa đã thảo luận những thách thức (khó khăn) của việc sử dụng hoạt động chép chính tả trong dạy và học ngoại ngữ. Khó khăn không nhiều, nhưng đều là những khó khăn lớn khó giải quyết như:
- Việc thực hiện chép chính tả rất mất thời gian: chỉ chép chính tả 1 đoạn có độ dài 1 hay 2 phút có khi mất cả nửa tiếng hoặc hơn.
- Chép chính tả rất nhàm chán: việc nghe đi nghe lại 1 đoạn thực sự sẽ rất chán
- Chép chính tả cần sự kiên trì: người học cần luyện hoạt động này thường xuyên (luyện hàng ngày càng tốt) mới thấy được sự tiến bộ
- Rất khó để tìm được tài liệu phù hợp cho người học sử dụng để luyện chép chính tả.
Qua nghiên cứu trên, tác giả đã đưa ra đề xuất: tiến hành một nghiên cứu áp dụng thử hoạt động chép chính tả cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện, sử dụng tài liệu là các bài nghe trong giáo trình sinh viên đang học trên lớp.
Nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học Ứng dụng tiếng Anh