Thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi lớn lao chưa từng có. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - còn được gọi là công nghiệp thế hệ 4.0 (CMCN 4.0) - đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống con người trong thế kỷ 21.

Cuộc cách mạng này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, xã hội toàn cầu, trong đó có nền giáo dục. Nó đặt ra những vấn đề cấp bách cho nền giáo dục, nếu coi giáo dục (đặc biệt là giáo dục đại học) là bước chuẩn bị hành trang cần thiết cho người học tự tin bước vào cuộc sống, thì nhà trường cần trang bị một cách đầy đủ những kỹ năng cần thiết cho họ, không chỉ cho hiện tại mà còn cả tương lai.

 

TS. Đặng Thị Vân trình bày seminar

 

Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, trong thời đại mới, người ta sẽ không còn quá quan trọng đến một tấm bằng một cách hình thức, đến nguồn gốc xuất thân hay những mối quan hệ, vấn đề là kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng... Trong cuộc CMCN 4.0, cơ hội dành cho tất cả mọi người là như nhau. Ai có năng lực thực sự, có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng và có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, người đó sẽ thành công.

Đối với các trường đại học, CMCN 4.0 đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực có các kỹ năng mới và trình độ giáo dục cao hơn so với 10 năm trước, bởi thị trường đòi hỏi lao động có trình độ giáo dục và đào tạo cao hơn.

Thực tế hiện nay, giáo dục đại học về tổng thể vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đã đem lại việc giảng dạy đại học ở Việt Nam những thách thức mới, đòi hỏi những nỗ lực hết mình để theo kịp thời đại và để có thể cùng tham gia vào quá trình “kinh tế tri thức”. Khái niệm “biết đọc” cũng đã được định nghĩa lại để bao gồm “biết đọc công nghệ”. Điều đó đã tạo ra một nhu cầu rất lớn của xã hội đối với ngành giáo dục mà trong đó giáo viên là đối tượng cần phải “biết đọc công nghệ” để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong việc truyền tải kiến thức đến người học. “Những mô hình đại học truyền thống đang bị thách thức. Cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi bản chất của trường đại học truyền thống, tạo điều kiện cho đại chúng hóa giáo dục đại học phát triển”.

Nội dung chính được bàn trong buổi trao đổi là:

+ Thực trạng áp dụng công nghệ 4.0 vào dạy học ở đại học hiện nay, một số thành tựu của một số trường đại học tiên phong như trường Đại học Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Công nghiệp,...

+ Những cơ hội, điều kiện thuận lợi khi áp dụng công nghệ 4.0 trong dạy học

+ Những thách thức khi áp dụng công nghệ 4.0 vào dạy học đại học, đặc biệt là yếu tố nguồn lực.

Tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị đối với Giảng viên, Học viện khi triển khai áp dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo tại Học viện. Từ nhận thức của giảng viên về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ đến việc chủ động tìm hiểu, vận dụng trong giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên đến việc Học viện có chiến lược và kế hoạch triển khai việc áp dụng này như thế nào một cách có hiệu quả.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào dạy học và giáo dục trong thời gian tới là một xu thế tất yếu nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ đặt ra cho Học viện và cho mỗi giảng viên.

Buổi semina diễn ra trong không khí cởi mở, dân chủ và có thêm định hướng mới nghiên cứu khoa học không chỉ trong bộ môn mà có sự tham gia của các bộ môn khác có liên quan đến chủ đề này.

Đặng Thị Vân - Bộ môn Tâm lý