Ngày 23/05/2018, nhóm nghiên cứu mạnh - Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ đã tổ chức buổi Seminar chuyên đề định kỳ nhằm duy trì, phát triển công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động trao đổi chuyên môn. Hai bài seminar xoay quanh chủ đề sử dụng ứng dụng công nghệ vào giảng dạy ngoại ngữ đã được trình bày bởi ThS. Phạm Thị Hạnh - “Using Kahoot! in language classrooms” (Sử dụng ứng dụng Kahoot! trong lớp học ngoại ngữ) và Th.S Phạm Hương Lan –“Students’ attitudes toward to the use of Kahoot! in English 2 classes at VNUA” (Thái độ của sinh viên đối với việc sử dụng Kahoot! trong các lớp tiếng Anh 2 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Buổi Seminar thu hút được sự quan tâm của nhiều giảng viên, cán bộ trong khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

IMG_2628.jpg

Trong Seminar “Using Kahoot! in language classrooms”, Thạc sỹ Phạm Thị Hạnh giới thiệu tổng quan về ứng dụng Kahoot! – một ứng dụng game được sử dụng phổ biến trong giáo dục, ưu nhược điểm, và cách sử dụng ứng dụng này trong giảng dạy tiếng Anh. Tác giả nêu rõ ứng dụng này đã được nhiều giáo viên trên thế giới sử dụng trong lớp học, đặc biệt là các lớp học ngoại ngữ. Bản thân tác giả đã tìm hiểu và áp dụng ứng dụng game này trong một số lớp học tiếng Anh do mình giảng dạy. Phản hồi của sinh viên về việc sử dụng ứng dụng này được Th.S Phạm Hương Lan trình bày trong seminar kế tiếp “Students’ attitudes toward to the use of Kahoot! in English 2 classes at VNUA”. 

IMG_2629.jpg

Theo đó, kết quả khảo sát trên 152 sinh viên thuộc 4 lớp tiếng Anh 2 do Th.S Phạm thị Hạnh giảng dạy cho thấy đại đa số sinh viên đều thể hiện thái độ rất tích cực khi giảng viên sử dụng ứng dụng này. Khoảng 80% đến 96% số sinh viên tham gia khảo sát đều tỏ ra yêu thích hoạt động này và có động lực học tiếng Anh hơn. Từ đó hai tác giả đưa ra đề xuất sử dụng ứng dụng Kahoot! trong các lớp tiếng Anh nhằm tăng hứng thú học tập cho sinh viên; đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới về hiệu quả của việc sử dụng ứng dụng này đối với các lớp học ngoại ngữ khác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đề xuất này nhận được sự cổ vũ và đồng tình lớn từ phía các thành viên khác trong nhóm nghiên cứu mạnh và cán bộ giảng dạy khác trong Khoa.

 Hương Lan – Phạm Hạnh