Ngày 27/11/2019, nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ ứng dụng tiếng Anh tổ chức buổi seminar với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của sinh viên” do PGS.TS. Đặng Thị Vân trình bày. Tham gia buổi seminar là các giảng viên của Khoa Sư phạm & Ngoại ngữ.
Ngày nay, một trong ba yêu cầu tuyển dụng được ưu tiên hàng đầu cho các ứng viên là kỹ năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, ngày càng nhiều các tập đoàn lớn, các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để mở rộng thị trường. Trước những cơ hội đó, tiếng Anh trở thành một công cụ đắc lực để người lao động khẳng định năng lực của mình.
PGS.TS Đặng Thị Vân trình bày bài nghiên cứu
Tuy nhiên, theo khảo sát của Vụ Giáo dục Đại học về việc sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu kỹ năng tiếng Anh, có khoảng 49,3% sinh viên đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, 18,9% sinh viên không đáp ứng được và 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm. Điều này cho thấy hơn nửa số sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Đây là một thực trạng đáng lo ngại khi nhiều sinh viên ra trường nhưng vẫn chưa trang bị tốt kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp sau ra trường cao.
Trong các kỹ năng cơ bản của ngoại ngữ nói chung, ngôn ngữ tiếng Anh nói riêng là nghe, nói, đọc, viết thì kỹ năng nói là kỹ năng thuộc kỹ năng giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh. Có thể nói đây là kỹ năng cần thiết cho nguồn lực trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp, điều này được phản ánh trong các yêu cầu tuyển dụng là giao tiếp tiếng anh thành thạo nếu là các tổ chức lao động nước ngoài hoặc những cơ quan, tổ chức lao động trong nước nhưng công việc có liên quan đến người nước ngoài hoặc các dự án liên kết với các tổ chức nước ngoài. Song thực tế sinh viên của Học viện nói chung, sinh viên năm thứ nhất nói riêng chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng việc học tiếng Anh, đặc biệt là bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, sinh viên của Học viện nhiều em xuât thân từ các vùng nông thôn, môi trường giao tiếp tiếng Anh bị hạn chế, một vài nét tâm lý phổ biến là sự nhút nhát, e dè, thiếu tự tin về chất giọng địa phương nên cũng ảnh hưởng phần nào đến kỹ năng nói tiếng Anh của họ.
Các giảng viên tham dự seminar
Bài nghiên cứu này được tác giả nghiên cứu trên đối tượng là 218 sinh viên K63 tản mạn ở nhiều ngành học trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam và được đánh giá trên các nội dung như: đánh giá về kỹ năng giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh của sinh viên K63, Thực trạng kỹ năng nói tiếng Anh của sinh viên K63, Nguyên nhân ảnh hưởng đến thực trạng kỹ năng giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh của sinh viên. Từ đó, tác giả đã đưa ra một số biện pháp cải thiện kỹ năng giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh cho sinh viên.
Cuối buổi seminar là phần thảo luận giữa các giảng viên. Các giảng viên tích cực đóng góp ý kiến, trao đổi kinh nghiệm dạy học và những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập của sinh viên.
Tạ Phương Thúy