Ngày 03 tháng 06 năm 2020, Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ đã tổ chức seminar với chủ đề “Một số đề xuất cho hướng nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh” do ThS. Lê Thị Hồng Lam trình bày. Tham dự seminar là các giảng viên Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ.

ThS. Lê Thị Hồng Lam trình bày seminar

Tại Việt Nam, ngôn ngữ học đối chiếu càng ngày càng được nghiên cứu sâu hơn những đặc điểm và khác nhau giữa tiếng Việt và các ngoại ngữ khác. Trong khoảng 30 năm trở lại đây có nhiều công trình nghiên cứu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, một số khác đối chiếu tiếng Việt với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tuy độ chuyên nghiệp khác nhau, nhưng đều có chung đóng góp là chứng minh tiềm năng phát triển dồi dào của một cách tiếp cận trong ngôn ngữ học. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam học theo hai hướng: biên phiên dịch và giảng dạy. Cả hai hướng này đều cần thiết học nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ.

Để làm rõ hơn về ngôn ngữ học đối chiếu, tác giả đã đưa ra những khái niệm để người đọc có thể hình dung được khái niệm và nguồn gốc của Ngôn ngữ học đối chiếu. Qua đó, tác giả cũng đưa ra những ứng dụng của Ngôn ngữ học đối chiếu trong lý thuyết và thực tiễn. Từ đó, tác giả đã đưa ra những nhận xét chung cho các hướng nghiên cứu Ngôn ngữ học đối chiếu:

- Làm sáng tỏ đặc điểm thể hiện các phạm trù ở ngôn ngữ được nghiên cứu như thời, thể, xác định, không xác định, phạm trù giống, số, cách, hiện tượng đa nghĩa, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa v.v.

- Đối chiếu các đặc điểm cấu tạo âm vị, hình vị, từ loại, cú pháp v.v.

- Đối chiếu các đơn vị ngữ âm siêu đoạn tính như trọng âm từ trong tiếng Anh và thanh điệu trong tiếng Việt.

- Đối chiếu các đặc điểm hoạt động, hành chức của các hiện tượng, phạm trù ngôn ngữ trong giới hạn các cấp độ.

- Đối chiếu các phong cách chức năng.

- Đối chiếu tiến trình phát triển nhằm làm sáng tỏ các quy luật phát triển và quá trình biến đổi xảy ra trong nội bộ các ngôn ngữ được nghiên cứu.