Ngày 25/12/2019, nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ ứng dụng tiếng Anh tổ chức buổi seminar với chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm giảng dạy học phần phiên dịch nâng cao” (Discussing advanced interpreting course) do ThS. Trần Thị Hải trình bày. Tham gia buổi seminar là các giảng viên của Khoa Sư phạm & Ngoại ngữ.
Phiên dịch là một nghề có vị trí tốt trên thị trường việc làm với một thu nhập cao. Ở Việt Nam, nghề phiên dịch trước đây và ngày nay càng được coi trọng bởi trong bối cảnh hội nhập với thế giới, tại Việt Nam thì nhu cầu phiên dịch các thứ tiếng đặc biệt là tiếng Anh ngày càng tăng cao. Người phiên dịch trở thành cầu nối quan trọng về ngôn ngữ và văn hóa.
ThS. Trần Thị Hải trình bày seminar
Phiên dịch là công việc chuyển đổi văn bản nói từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách chính xác, giúp những người không cùng sử dụng một ngôn ngữ có thể hiểu nhau. Người phiên dịch viên phải chịu sức ép lớn về thời gian, phản ứng rất nhanh và gần như không có thời gian để suy nghĩ cân nhắc về từ ngữ.
Đối với ngành Ngôn ngữ Anh của Khoa SP&NN, học phần phiên dịch nâng cao là học phần 3 tín chỉ, học phần này dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh năm thứ 3 tại Học viện Nông nghiệp Việt nam. Khóa học này tập trung chủ yếu vào thực hành phiên dịch nhiều chủ đề như nông nghiệp, y tế, văn hóa, vấn đề xã hội, kinh tế…. Học phần này được chia làm 10 phần và các phần kiểm tra, đánh giá được tính điểm như sau: điểm chuyên cần (5%), điểm bài tập (5%), điểm thực hành được đánh giá thông qua tạo một video clip phiên dịch với người nước ngoài theo cặp (15%), điểm kiếm tra (15%) và bài kiểm tra cuối cùng (60%).
Trong đó, tác giả đã xây dựng cách thức thực hiện phần video clip thực hành như sau:
- Sinh viên sẽ được giáo viên cung cấp các file tiếng Anh hoặc tiếng Việt để sinh viên thực hành phiên dịch
- Mỗi học sinh sẽ phải làm video clip hàng tuần để thực hành phiên dịch
- Bài tập làm theo cặp: được quay clip 10 phút, sinh viên phải tìm một người nước ngoài để thực hiện tình huống phiên dịch giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Trước khi thực hiện clip, sinh viên sẽ phải gửi kế hoạch thực hiện và danh sách câu hỏi của mình cho giáo viên. Bắt đầu phỏng vấn, sinh viên 1 sẽ phỏng vấn người nước ngoài bằng tiếng Anh và sinh viên 2 sẽ phiên dịch trực tiếp cuộc đối thoại sang tiếng Việt (sinh viên 1 và sinh viên 2 sẽ đổi vị trí cho nhau trong quá trình thực hiện). Giáo viên sẽ chấm điểm nội dung clip để lấy điểm thành phần.
Cuối buổi seminar là phần thảo luận giữa các giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy học phần Phiên dịch nâng cao, đồng thời giúp sinh viên có những bài thực hành làm quen với các sự kiện, tình huống xã hội.