Seminar về chủ đề “Giao thoa văn hóa” với chuyên gia nước ngoài
Cập nhật lúc 09:59, Thứ năm, 11/06/2020 (GMT+7)
Tiếp nối các bài giảng, chia sẻ của PGS.TS. Werner Bigell đến từ ĐH Bắc cực Nauy (The Arctic university of Norway) về “Giao thoa văn hóa”, ngày 15/12/2018, PGS.TS Weiner Bigell tiếp tục trao đổi với nhóm nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dung tiếng Anh những vấn đề quan trọng xoay quanh chủ đề này
Tiếp nối các bài giảng, chia sẻ của PGS.TS. Werner Bigell đến từ ĐH Bắc cực Nauy (The Arctic university of Norway) về “Giao thoa văn hóa”, ngày 15/12/2018, PGS.TS Weiner Bigell tiếp tục trao đổi với nhóm nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dung tiếng Anh những vấn đề quan trọng xoay quanh chủ đề này
Tại buổi làm việc, PGS.TS Bigell đã đề cập đến một số khía cạnh của lĩnh vực văn hóa như chủ nghĩa cá nhân (Individualism)/ chủ nghĩa tập thể (collectivism); khoảng cách quyền lực cao/ thấp (high/low power distance); mức độ e ngại rủi ro (high/low insecurity avoidance); và nam tính (masculinity)/ nữ tính (femininity).
Tính cá nhân/ tính tập thể là cách đánh giá một cá thể theo nền văn hóa đó. Ở những nền văn hóa theo chủ nghĩa cá nhân, cá thể đó được đánh giá căn cứ vào cá nhân người đó. Những nền văn hóa theo chủ nghĩa tập thể đánh giá cá thể đó dựa vào việc cá nhân đó thuộc nhóm người nào (có thể căn cứ vào thành phần gia đình, nghề nghiệp, vv.). Khoảng cách quyền lực là cách một xã hội ứng xử với sự bất bình đẳng về quyền lực giữa các thành viên trong xã hội. Một số nước có khoảng cách quyền lực lớn, nghĩa là sự bất bình đẳng khá cao. Một số nước khác có khoảng cách quyền lực thấp, điều đó có nghĩa sự chênh lệch giữa kẻ mạnh và người yếu rất nhỏ. Mức độ e ngại rủi ro là mức độ con người có thể chấp nhận rủi ro và sự không chắc chắn trong cuộc sống. Ở những xã hội mà mức độ e ngại rủi ro cao, con người có xu hướng thiết lập, tạo dựng những tổ chức, công việc ổn định nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính. Họ thường mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định vì họ phải cân nhắc mọi rủi ro có thể xảy ra để cố gắng tránh. Ngược lại, ở xã hội mà mức độ e ngại rủi ro thấp, con người thường chấp nhận rủi ro nên họ đưa ra quyết định nhanh chóng. Nam tính/ nữ tính được dùng để miêu tả định hướng của một xã hội/ một nền văn hóa. Nền văn hóa nam tính coi trọng sự quyết đoán, tham vọng và sự nghiệp; nền văn hóa nữ tính chú ý hơn đến việc duy trì vai trò, sự phụ thuộc lẫn nhau và giúp đỡ những người kém may mắn hơn.
Đi kèm những nội dung trên, ông đã cho trình chiếu những trích đoạn phim, kịch, những video hội thoại, tranh ảnh thú vị và dễ hiểu. Buổi trao đổi với chuyên gia đã gợi mở thêm cho người tham dự những kinh nghiệm giảng dạy mới.
Nguyễn Thị Kim Quế