Giải quyết nhu cầu việc làm vẫn luôn là yêu cầu quan trọng và bức thiết nhất của các trường Đại học. Trong thời đại ngày nay, rõ ràng không phải cứ tốt nghiệp Đại học là sẽ có được việc làm. Vì vậy, lựa chọn các ngành học thỏa mãn nhu cầu nhân lực vẫn là ưu tiên hàng đầu của các bạn học sinh.

Một trong những ngành học có nhu cầu nhân lực cao đó là ngành Sư phạm Công nghệ. Bởi đây là ngành đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng cho chương trình giáo dục phổ thông mới của môn Công nghệ và ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực nông nghiệp nên vị trí việc làm rất đa dạng

 
Ngành Sư phạm Công nghệ - Học Viện Nông nghiệp Việt Nam 

1. Vị trí giáo viên Công nghệ tại các trường phổ thông

Đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên cho môn Công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung ngành đào tạo Sư phạm công nghệ vào Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học , ban hành theo thông tư 24/2017/TT-BGDĐT, ngày 10 tháng 10 năm 2017.

Theo đó, Công nghệ là môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục từ tiểu học tới trung học phổ thông và cần có giáo viên có chuyên môn về sư phạm công nghệ giảng dạy. Vì thế, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên Công nghệ là một trong số ít giáo viên bộ môn các trường phổ thông ĐANG CÓ NHU CẦU TUYỂN DỤNG CAO.

2. Vị trí cán bộ quản lí trong các cơ sở giáo dục

          Với kiến thức, kỹ năng chuyên môn về sư phạm, sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Công nghệ dễ dàng xin các vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục (trung tâm ngoại ngữ, trường học…) như tư vấn viên, nhân viên tuyển sinh, quản lí chi nhánh, cán bộ đào tạo…Đây là những vị trí việc làm mà theo thống kê được đăng tuyển nhiều nhất trên các trang giới thiệu việc làm.

3. Vị trí cán bộ nghiên cứu và nhân viên trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

          Với các kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được đào tạo trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ hoàn toàn đáp ứng được vị trí việc làm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp ở các địa phương sẽ tăng trong những năm tới như nhân lực kĩ thuật cho ngành công nghiệp chế biến nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu, nhân lực kĩ thuật cho ngành trồng cây công nghiệp,…

Thực tế cho thấy, hiện nay Việt Nam đang rất thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0. Đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành Nông nghiệp vẫn thiếu khoảng 3,2 triệu lao động đã được qua đào tạo.

Như vậy, có thể nói, ngành Sư phạm Công nghệ là một ngành mới nhưng nằm trong những ngành “khát” nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0.