Ngày 10/11/2021, nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh – Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ đã tổ chức buổi seminar trực tuyến do ThS. Lê Thị Hồng Lam trình bày với chủ đề “Thực trạng dạy học phần Văn hóa Việt Nam cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh và đề xuất một số hướng nghiên cứu so sánh văn hóa cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh Học viện Nông nghiệp Việt Nam”. Buổi seminar có các thành viên là các giảng viên – nhà khoa học của khoa Sư phạm và Ngoại ngữ tham dự.
Trong buổi seminar, ThS. Lê Thị Hồng Lam đã trình bày hai nội dung, gồm Thực trạng dạy học phần Văn hóa Việt Nam cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh và phần Đề xuất hướng nghiên cứu so sánh văn hóa cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
|
|
ThS. Lê Thị Hồng Lam trình bày seminar trực tuyến |
Ở phần thứ nhất tác giả đã giới thiệu chung về học phần Văn hóa Việt Nam, mục đích, nội dung, chương trình, tầm quan trọng và ý nghĩa của học phần trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh. Đây là môn học có sự gắn kết quan trọng với các môn khác như Giao thoa văn hóa, Đất nước học Anh Mĩ, Văn học Anh Mĩ, Ngôn ngữ học đối chiếu, Từ vựng học... Đối với ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh, các kiến thức, hiểu biết về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng giúp người học có thể phân tích, lí giải và đánh giá các sự kiện, các vấn đề văn hóa – xã hội và nghệ thuật đã và đang diễn ra trong thực tiễn đời sống liên quan đến các lĩnh vực hoạt động đời sống. Ngoài ra tác giả cũng trình bày về thực tế học tập của sinh viên, cho thấy sinh viên có phản ứng tốt và thích thú với môn học này, được làm việc nhóm, làm bài tập nhóm, thuyết trình và được khuyến khích trải nghiệm thực tế như tham quan các viện bảo tàng, cơ sở thờ tự, làng nghề truyền thống... đưa những trải nghiệm đó vào nội dung bài tập hoặc bài thuyết trình.
|
|
|
Phần thứ hai, tác giả đã trình bày về Ý nghĩa của việc nghiên cứu văn hóa và so sánh văn hóa, Các trường phái và khuynh hướng nghiên cứu văn hóa, Các giai đoạn nghiên cứu so sánh văn hóa, Các phương pháp nghiên cứu văn hóa nói chung và so sánh văn hóa nói riêng. Ngoài ra tác giả đã đề xuất một số nội dung nghiên cứu làm hướng làm tốt nghiệp cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh như so sánh văn hóa tổ chức cộng đồng, văn hóa tổ chức đời sống cá nhân (tín ngưỡng, phong tục, văn hóa giao tiếp và nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật thanh sắc và hình khối), văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên (ẩm thực, kiến trúc, phương tiện), văn hóa ứng xử với môi trường xã hội (tôn giáo, tính dung hợp trong tín ngưỡng và tôn giáo người Việt...) của Việt Nam và phương Tây.
Tại phiên thảo luận, các giảng viên – nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều câu hỏi và cùng nhau thảo luận về hướng nghiên cứu thú vị này. Trưởng nhóm nghiên cứu TS. Nguyễn Thị Thu Thủy đã thay mặt nhóm tổng kết đây là một nghiên cứu có giá trị cả về lí luận và thực tiễn, gợi mở những hướng nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên trong thời gian tới.
Nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh