Ngày 23/3/2022, khoa Sư phạm & Ngoại ngữ đã tổ chức Seminar trực tuyến với chủ đề “Thực trạng khó khăn tâm lý của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam” do cô ThS Đỗ Ngọc Bích – Bộ môn Tâm lý trình bày.

Trong bài báo cáo, Th.S Đỗ Ngọc Bích đã trình bày các kết quả nghiên cứu liên quan tới các khó khăn tâm lý và nhu cầu tham vấn tâm lý của sinh viên học viện Nông nghiệp Việt Nam trong 4 lĩnh vực cụ thể: Định hướng nghề nghiệp, học tập, sự phát triển tâm lý cá nhân, các mối quan hệ trong cuộc sống. Nghiên cứu này được thực hiện trên 150 khách thể là sinh viên của Học viện.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng:

Khó khăn tâm lý sinh viên gặp phải trong cuộc sống rất phong phú và đa dạng. Sinh viên gặp khó khăn tâm lý nhiều nhất về định hướng nghề nghiệp, học tập và phát triển tâm lý của bản thân. Khi gặp các khó khăn tâm lý trong cuộc sống sinh viên có nhu cầu rất lớn cần được tham vấn tâm lý.

Trong lĩnh vực định hướng nghề nghiệp, khó khăn tâm lý sinh viên mong muốn được tham vấn nhiều nhất là lo lắng không có việc làm khi ra trường, khó khăn trong việc chuẩn bị tâm thế trước khi ra trường.

Trong lĩnh vực học tập, khó khăn tâm lý sinh viên mong muốn được tham vấn nhiều nhất là áp lực điểm số thi cử, khó khăn trong việc tiếp cận và hiểu tài liệu học tập, khó khăn khi ứng phó với căng thẳng trước các kì thi.

Trong lĩnh vực về sự phát triển tâm lý của bản thân, khó khăn tâm lý sinh viên mong muốn được tham vấn nhiều nhất là luôn quyết tâm nhưng không thực hiện được quyết tâm, luôn cảm thấy mình kém cỏi, không xác định rõ mục tiêu của bản thân, một bộ phận nhỏ sinh viên đang có ý nghĩ chán sống.

Trong lĩnh vực về các mối quan hệ trong xã hội, khó khăn tâm lý sinh viên mong muốn được tham vấn nhiều nhất là không thích tập thể lớp chia bè phái, thất tình.

Dựa vào các kết quả thu được, nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị:

* Về phía Sinh viên:  Những SV đang gặp các khó khăn tâm lý hoặc đang có nhu cầu tham vấn tâm lý nên tự tìm cách để vượt qua hoặc tìm kiếm các dịch vụ trợ giúp phù hợp để tránh những tác động tiêu cực do khó khăn tâm lý gây ra. Nên chuẩn bị tâm thế trước mọi hoàn cảnh, sẵn sàng đón nhận mọi thử thách, khó khăn và nỗ lực tìm cách khắc phục chúng. Khi cần trợ giúp nên tìm đến những loại hình trợ giúp tâm lý chuyên nghiệp để giúp bản thân luôn vững vàng, lạc quan trong cuộc sống.

* Về phía Giảng viên và cán bộ nhà trường: Nên quan tâm, tìm hiểu tâm lý sinh viên mình đang giảng dạy, trên cơ sở đó, bên soạn bài giảng, lựa chọn phương pháp, hình thức giảng dạy phù hợp. Gần gũi SV hơn nữa, không chỉ giao lưu trong tiết học mà nên chủ động trò chuyện, quan tâm tới SV để xóa đi khoảng cách giữa người dạy và người học, để thấu hiểu SV, biết được nhu cầu nguyện vọng của SV, tránh gây áp lực không cần thiết lên SV. Tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của SV để hỗ trợ SV phát hiện, phòng ngừa, phát hiện sớm những khó khăn, nhu cầu tham vấn để có những hỗ trợ kịp thời

* Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Tạo điều kiện hỗ trợ cho các em sinh viên đang có những khó khăn và nhu cầu trợ giúp tâm lý hiện nay. Thành lập một phòng Tham vấn tâm lý trực tiếp trong HV Nông nghiệp Việt Nam với đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường chuyên nghiệp. Quan tâm đầu tư cả chất xám và tài chính cho việc đào tạo chuyên sâu một đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường. Phòng tham vấn cần được hoạt động tích cực, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, các bộ trắc nghiệm đánh giá tâm lý nhằm hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho các em sinh viên đang có nhu cầu được chia sẻ và trợ giúp tâm lý. Khi có đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường được đào tạo chuyên sâu, họ không chỉ giúp sinh viên giải quyết những khó khăn tâm lý sinh viên gặp phải mà họ còn giúp phòng ngừa; đặc biệt là phát hiện và can thiệp sớm những khó khăn tâm lý mới xuất hiện.

                                                                                                          Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ