TÌM HIỂU THÁI ĐỘ CỦA SINH VIÊN CHUYÊN NGỮ VỚI HÌNH THỨC ĐÁNH GIÁ TRÌNH DIỄN
Cập nhật lúc 14:39, Thứ sáu, 29/04/2022 (GMT+7)
Ngày 27/4, nhóm nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh đã tổ chức seminar với chủ đề: An investigation into students’ attitudes to different forms of performance-based assessment (Tìm hiểu thái độ của sinh viên chuyên ngữ với hình thức đánh giá trình diễn) do ThS. Trần Thị Tuyết Mai trình bày. Buổi seminar được tổ chức trực tuyến trên ứng dụng MS Teams.
Ngày 27/4, nhóm nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh đã tổ chức seminar với chủ đề: An investigation into students’ attitudes to different forms of performance-based assessment (Tìm hiểu thái độ của sinh viên chuyên ngữ với hình thức đánh giá trình diễn) do ThS. Trần Thị Tuyết Mai trình bày. Buổi seminar được tổ chức trực tuyến trên ứng dụng MS Teams.
Đánh giá dựa trên trình diễn của người học, hay đánh giá trình diễn là hình thức đánh giá đã được sử dụng trong nhiều thập kỉ qua và đã chứng minh được tầm quan trọng của nó trong kiểm tra đánh giá ngôn ngữ. Ngay từ thập niên 90, các dạng bài kiểm tra trắc nghiệm đã cho thấy tính không hiệu quả do không đánh giá được năng lực ngôn ngữ của người học. Vì thế, đánh giá trình diễn lại nổi lên như một phương tiện được ưa chuộng. Brown và Hudson (1998) đã khẳng định rằng “ngôn ngữ thực tế không phải là trả lời những câu hỏi trắc nghiệm”.
Tại Khoa Sư phạm và ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chương trình cho ngành ngôn ngữ Anh được xây dựng theo khung châu Âu với trình độ từ A2-C1 theo tiêu chí “người học có thể làm được gì”. Chính vì vậy, việc lựa chọn hình thức đánh giá trình diễn trong các môn học là hoàn toàn phù hợp nhằm đánh giá chính xác năng lực ngôn ngữ của người học.
Trong học kì I, năm học 2021-2022, tác giả đã tiến hành điều tra thái độ của sinh viên năm 3 chuyên ngữ về 3 hình thức đánh giá trình diễn là tham gia vào bài học, thuyết trình và bài tập lớn. Phiếu khảo sát gồm 9 câu hỏi được chia thành 3 nhóm thái độ dựa trên mô hình ABC của đại học Yale (1950) gồm: nhóm thái độ cảm nhận, thái độ hành vi và thái độ nhận thức. Kết quả từ phiếu khảo sát 113 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên có thái độ tích cực với đánh giá trình diễn. Chỉ có một số ít sinh viên cảm thấy hình thức đánh giá này rất mất thời gian và chưa hiệu quả trong việc khuyến khích sinh viên học tập.
Liên quan đến nhóm thái độ cảm nhận, có 20 sinh viên (chiếm khoảng 17%) thấy không rõ ràng lắm về việc đánh giá trình diễn có giúp mình học tốt hơn và thấy thoải mái hay không. Trong khi đó, ở nhóm thái độ hành vi, hầu hết sinh viên đều đồng ý rằng, đánh giá trình diễn giúp các em cải thiện và thể hiện được năng lực của mình. Chi tiết đáng chú ý nhất ở đây là câu hỏi về việc sinh viên hiểu mình được đánh giá như thế nào với hình thức đánh giá trình diễn, có 36 sinh viên (chiếm 31%) tỏ thái độ lo lắng không biết phải làm thế nào để có thể đạt điểm cao. Rõ ràng là hình thức đánh giá trình diễn đã được sử dụng ngay từ năm nhất, nhưng tiêu chí chấm điểm lại chưa được giảng viên công bố rõ ràng.
Ở câu hỏi cuối cùng, sinh viên đã đưa ra ý kiến về việc có đồng ý với hình thức đánh giá trình diễn không. Tác giả đã tiến hành kiểm đinh ANOVA để tìm hiểu về mối liên quan giữa học lực của sinh viên và việc chọn lựa hình thức đánh giá trình diễn. Kết quả cho thấy, sinh viên có học lực càng khá giỏi thì lại càng mong muốn sử dụng hình thức này. 27 sinh viên học lực trung bình và vài sinh viên học lực khá không bày tỏ ý kiến, trong khi đó số sinh viên khá còn lại và sinh viên giỏi hoàn toàn đồng ý sử dụng đánh giá trình diễn.
Như vậy là, đa phần các sinh viên đều muốn sử dụng hình thức đánh giá trình diễn. Vấn đề đặt ra ở đây là giảng viên cần công bố rõ ràng các tiêu chí chấm điểm để sinh viên có thể chuẩn bị kỹ hơn nhằm đạt kết quả cao nhất.
Nhóm Nghiên cứu mạnh