Ngày 28/9/2022, nhóm Nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học Tiếng Anh đã tổ chức trao đổi chuyên đề “Chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ tại một số trường đại học” do ThS. Trần Thị Hải trình bày.

Tại các trường đại học của Việt Nam, tiếng Anh là ngoại ngữ quan trọng nhất chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong công tác giảng dạy ngoại ngữ. Thực tế rõ ràng rằng, tiếng Anh hiện nay đang là ngôn ngữ quốc tế, là ngôn ngữ của giao dịch, đàm phán trong kinh doanh, thương mại, ngôn ngữ của khoa học và tri thức. Sinh viên có năng lực tiếng Anh tốt đáp ứng nhu cầu tuyển dụng sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong nước cũng như các công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia, hoặc có thể trở thành công dân toàn cầu.

ThS. Trần Thị Hải trình bày seminar

Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội về ngoại ngữ, ngày 30 tháng 9 năm 2008, Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 1400/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Gọi tắt là đề án NNQG 2020). Đề án thực hiện 7 nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được mục tiêu chung là: Đổi mới toàn diện việc dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân… biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phụ vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  Để thực hiện đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch số 808/KH-BGDDT ngày 16 tháng 8 năm 2012 nhằm triển khai đề án; Thông tư số 01/2014/TT-BGD ngày 24 tháng 1 năm 2014 ban hành khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam; Quyết định số 729/QĐ-BDGĐT ngày 11 tháng 3 năm 2015 ban hành Định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 7 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào taọ cũng như để cam kết chất lượng đào tạo và khẳng định vị thế của mình, các trường đại học yêu cầu sinh viên tốt nghiệp đại học phải đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh. Bài viết tìm hiểu về chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên không chuyên ngữ tại một số trường đại học ở Hà Nội.

Kết quả, sau khi tìm hiểu tác giả thấy có 3 định dạng bài thi chuẩn đầu ra tiếng Anh phổ biến hiện nay đang áp dụng ở các trường đại học đó là bài thi nội bộ định dạng đề thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài thi theo dạng thức khung tham chiếu Châu Âu, bài thi mô phỏng Toiec và bài thi Ielts. Về số lượng tín chỉ sinh viên được học trong trường cũng rất đa dạng, từ 10 tín chỉ (tương đương 150 tiết) đến 30 tín chỉ (tương đương 450 tiết). Điểm giống nhau là sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc văn bằng đáp ứng chuẩn đầu ra được đăng kí xét miễn học, miễn thi, quy đổi điểm các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo và xét đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh khi tốt nghiệp. Như vậy, bài nghiên cứu cho thấy tất cả các trường đều đang trên lộ trình thực hiện dạy và học tiếng Anh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

                                                                                                                                     Nhóm Nghiên cứu mạnh